Monday, January 14, 2013

Mê mẩn mùa thu vàng Budapest

Bạn sẽ bị mê hoặc trước vẻ đẹp không thể cưỡng nổi khi chìm mình trước nắng thu vàng ruộm, nhuốm ánh mật ong lên không gian kiến trúc Baroque, lên cảnh sắc cổ điển của viên ngọc dòng Danube, hay ngắm muôn hồng ngàn tía trong đêm thủ đô Budapest (Hungary).

Ngọn đồi vọng cảnh Gellért là nơi có tầm nhìn đẹp nhất, bao quát cả Budapest với dòng Danube trong xanh chảy theo trục nam bắc, chia thành phố thành hai bờ tả hữu ngạn, Buda và Pest nối với nhau bằng 9 cây cầu huyết mạch mà mỗi chiếc là một công trình nghệ thuật mang những dấu ấn riêng. Dòng Danube tuôn chảy qua bốn quốc gia suốt hàng ngàn cây số, giờ đây uốn mình tô điểm cho bình nguyên Pest trầm mặc bởi những tòa kiến trúc thâm nghiêm đang tắm mình trong sắc nắng huyền hoặc của thu vàng.

Đi bộ dạo hóng gió sông bỗng bạn có ngẫu hứng, hãy xuống một trong những chiếc tày thủy đang thuận dòng kia, hãy tựa mạn boong và điềm tĩnh nhìn phía đồi Buda, ngắm toàn bộ cảnh vật của ngọn đồi với những ngôi biệt thự, những cây xanh, lá vàng chen nhau ngời lên trong sắc trời thu văn vắt, tất cả lặng đi để soi mình trong bóng tỏ của dòng sông Mẹ hiền hòa. Trong ánh nắng chan hòa hứa hẹn một hoàng hôn lộng lẫy, cả mặt tiền tòa Quốc hội bên bờ Đông, các tòa nhà và tháp cổ của lâu đài Buda, những tượng đài, các dinh thự lộng lẫy và những cây cầu đồ sộ ánh vàng dát theo bóng ven, trái sáng và huyền ảo. Cả thành phố là một không gian vàng, không gian Levitan vời vợi.


Tòa nhà Quốc hội Budapest. Ảnh: Nguyễn Thu Thủy

Hàng năm, vào các ngày cuối tuần của tháng bảy, tháng tám, người ta tổ chức lễ hội mùa hè mà du khách có thể đi bộ và thưởng thức những chương trình rực rỡ sắc màu trên cây cầu Xích. Cây cầu bằng đá với những đầu sư tử oai phong lẫm liệt trang trí hai bên đầu cầu, hoa văn tô điểm theo những dải băng mỹ miều, xứng danh là cây cầu đẹp nhất Budapest, dẫu từng bị phá hủy một phần trong thế chiến thứ II nhưng đã được phục hồi tương đối nguyên vẹn từ năm 1949.

Cầu Xích, một trong những cây cầu đầu tiên được xây dựng tại Budapest, do kiến trúc sư người Anh William Tierney Clark thiết kế và khánh thành năm 1849. Từ cầu Xích, nếu muốn tiếp tục hành trình khám phá thành phố, bạn có thể đi thêm một quãng ngắn là đến điểm có thang máy cổ xưa với buồng bằng gỗ đưa khách tham quan lên du ngoạn Đồi Lâu đài ở Buda.

Đồi Lâu đài Buda là mảnh đất linh thiêng của hoàng gia Hungary, là chứng nhân suốt chiều dài lịch sử Budapest vài thế kỷ và ghi tên mình vào Di sản thế giới (1987). Ngọn đồi nằm ngỡ ngàng trước phong cảnh dòng Danube xinh xắn chợt mở ra tầm mắt khi ta bước chân đến đỉnh đồi, chếch chéo về phía tả ngạn xanh ngút ngát là đỉnh tháp Gothic lộng lẫy của nhà thờ Matthias và quần thể Halászbástya lưu dấu vẻ triết học của kiến trúc Baroque châu Âu. Mặc dù chiến tranh và thời gian đã phá hủy phần nào sự nguyên trạng của quảng trường Lâu đài song vẻ đẹp và sự quyến rũ của nó vẫn mê hoặc bao du khách. Đây cũng là nơi diễn ra các lễ hội náo nhiệt của Budapest như lễ hội Nghệ thuật dân gian hay lễ hội rượu vang và champagne quốc tế.

Quần thể Halászbástya - thành của những người đánh cá cũng chính là một trong bảy kỳ quan kiến trúc Hungary. Tên gọi này là để ghi nhớ công lao của những người đánh cá thời trung cổ đã chiến đấu ở đây để bảo vệ thành phố. Bảy ngọn tháp của Halászbástya tượng trưng cho bảy bộ tộc người Hungary đã định cư ở mảnh đất này từ năm 896. Nhà thờ hơn 700 năm tuổi Mathias lại là nơi chứng kiến nhiều lễ phong tước vị cũng như những đám cưới hoàng gia. Lúc nào cũng nhộn nhịp du khách, những người bán tranh dạo, những nghệ sĩ hát rong, nơi này dường như là điểm tụ hội của nghệ thuật đường phố. Tại đây, ngồi nghe nhạc mà ngắm cảnh thì toàn cảnh sông Danube đã thu vào trong đáy mắt của bạn.

Điểm dừng ấn tượng của hành trình khám phá thành phố cũng chính là biểu tượng nổi tiếng nhất của Budapest – tòa nhà Quốc hội – tòa nhà lập pháp cổ xưa và lớn nhất châu Âu với 691 phòng. Nổi bật, hùng vĩ và kiêu hãnh, công trình mang kiến trúc Gothic này được xây dựng từ 1884 đến 1902, phỏng theo nguyên bản nhà quốc hội ở London, mặt tiền soi bóng xuống dòng Danube, nhưng lối vào chính lại nằm ở quảng trường Kossuth Lajos.

Điều thú vị là du khách có thể tham gia vào dòng người xếp hàng đông nghịt bên ngoài để mua vé vào tham quan tòa nhà và người dân Hungary được quyền theo dõi các phiên họp Quốc hội. Cách đó không xa là nhà thờ chính uy nghi Saint Stephen, tên vị hoàng đế đầu tiên của Hungary lên ngôi trị vì vào năm 1000. Đây cũng là nơi lưu giữ bàn tay của vị vua đã hiển thánh này, đặt trong một chiếc quách nhỏ trang trọng, được xem là thánh tích linh thiêng đối với người Hungary.

Từ nhà thờ Saint Stephen, đại lộ Andrássy có bề dày lịch sử 135 năm đưa bạn xuyên qua trung tâm thành phố đến quảng trường Những Người Anh Hùng rộng lớn. Đứng dưới chân đài kỷ niệm thiên niên kỷ cao vút, chiêm ngưỡng dãy tượng các vị vua chúa lập quốc và anh hùng dân tộc, biểu tượng của sức mạnh và lịch sử các vương triều Hungary, cảm giác thấy mình thật bé nhỏ. Đại lộ này thường được các nhà làm phim Hollywood chọn quay những cảnh đầu tiên về châu Âu, ngoài các cửa hàng cao cấp còn có vô số tiệm cà phê, nhà hàng, quán nghệ sĩ, là nơi gặp gỡ của giới văn nghệ sĩ Hungary hơn một thế kỷ nay.

Phía sau quảng trường là công viên thành phố, nơi lâu đài Vajdahunyad nằm soi bóng bên mặt nước xanh thẳm vẽ bức tranh tĩnh lặng xao xuyến tâm hồn. Được xây dựng từ 1896 đến 1908, lâu đài là tác phẩm của Ignác Alpár với sự pha trộn tuyệt vời của các phong cách kiến trúc Romanic, Gothic, Phục Hưng (Renaissance) và Baroque.

Nếu không khám phá sông Danube bằng tàu thủy, bạn có thể đi tàu hỏa tới thành phố Szentendre tại bến tàu đối diện với ga điện ngầm gần Tòa nhà Quốc hội. Nơi đây được mệnh danh là thành phố nghệ thuật, nằm phía dưới hạ nguồn sông Danube ở Budapest, lô xô những mái nhà đậm kiến trúc Baroque, những gác chuông nhà thờ, những bảo tàng, galerry nghệ thuật và những con đường hẹp lát đá cuội quanh co.

Chiều ánh vàng le lói báo hiệu hoàng hôn trên sông sắp mãn, không gian ấy khiến ta thổn thức như khi nghe bản“Les Jeux d'Eaux à la Villa d'Este” - khúc nhạc dự báo cho những trào lưu âm nhạc lãng mạn, ấn tượng và tân cổ điển ở châu Âu thế kỷ XIX của nhà soạn nhạc Ferenz Liszt, cha đẻ của Học viện Âm nhạc hoàng gia Budapest. Trong khung cảnh trữ tình ấy, bên sông Danube, những hàng cây ngả vàng xao mình trước gió, điểm xuyết vài cây táo dại rực màu đỏ ối. Những cây dẻ dại giơ cành khẳng khiu. Những hàng bạch dương xanh thẳm. Bóng lá xao động đẫm màu nắng thu hắt bóng xuống dòng sông thảng thốt lòng người.

Dòng sông trong xanh, lặng lẽ, êm đềm, những đàn vịt chúi đầu tìm thức ăn, những đàn quạ đen nháo nhác lượn vòng. Khi những vòm lá đã ủ ấp những khoảng tối của chiều tàn, màn bí mật của buổi tối đang bò quanh thành phố, những ngọn đèn màu lại lung linh đón mời du khách ùa vào đêm Budapest diệu huyền. Ảnh mùa thu vàng Budapest

Nguyễn Thu Thủy

No comments:

Post a Comment

Popular Posts