Thursday, January 31, 2013

Xứ Lạng - 'thiên đường' của đặc sản

Ai lên xứ Lạng cùng anh
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em…

Đến với mảnh đất Lạng Sơn, du khách không chỉ mãn nhãn với cảnh sắc hùng vĩ, thả hồn cũng sông núi, mà còn được thưởng thức những đặc sản mang đậm hương vị con người vùng rừng núi Đông Bắc.

Đào Mẫu Sơn

Đến Lạng Sơn du khách không thể không ghé thăm đỉnh Mẫu Sơn, một miền sơn cước hùng vĩ với nhiều điều kì thú. Đặc biệt, đây cũng chính là mảnh đất đỏ rực sắc hoa đào với những vườn đào sai trĩu quả. Mỗi năm, Mẫu Sơn chỉ có một mùa đào trong vòng một tháng, nên những trái đào dường như trở thành sản vật vô cùng quý giá mà thiên nhiên đã ưu đãi và ban tặng cho vùng đất này.


Đào Mẫu Sơn.

Khác hẳn với các loại đào tuy chín có màu đỏ rực, thơm nức nhưng thịt lại mềm, nhũn, được phơi giữa nắng gió Mẫu Sơn, những trái đào nơi đây dường như ngọt, giòn và chắc hơn. Bên ngoài có màu xanh nhạt nhưng khi ăn quả có vị ngọt lịm mà lại giòn tan, thịt đào đỏ au và có mùi thơm dịu. Đào Mẫu Sơn vừa to, vừa ngọt. Đào có màu xanh trắng, bên ngoài là lớp vỏ có lông tơ mềm như nhung. Quả của nó có một hạt ở giữa và được bao bọc bởi cùi thịt màu vàng hay ánh trắng. Nhìn vẻ bề ngoài, những trái đào Mẫu Sơn căng mọng với màu sắc hồng hào, tươi đẹp đã hấp dẫn mọi người thưởng thức.

Lợn sữa quay mác mật

Là món ăn đặc sản không thể thiếu trong mâm cỗ của người dân xứ Lạng. Món ăn không chỉ ngon mà còn được chế biến rất kì công, và có hương vị rất riêng. Khó có nơi nào có món lợn quay sánh bằng Lạng Sơn. Bởi lẽ, nếu đơn thuần chỉ chọn lấy con heo làm thịt rồi quay với các gia vị khác thì không tạo nên tính độc đáo của món quay này. Cầu kỳ từ khâu chọn lợn ban đầu. Lợn quay phải chọn những con tầm 20-35kg hơi, loại to quá thì béo, mỡ nhiều ăn sẽ ngấy. Loại nhỏ dưới 20kg thì chưa thành thịt, nhão và không có vị thơm. Lợn cả con được cạo lông làm sạch từ thủ lợn đến chân giò, cạo trắng cả con nhưng không để da lợn bị xước rách, để khi quay chín da lợn không bị vỡ làm mất nước ngọt và mùi thơm của thịt. Lợn làm sạch lông, đem mổ moi hết nội tạng để tẩm ướp gia vị.






Lợn quay mác mật.

Quan trọng nhất là khâu ướp gia vị cho lợn quay. Muối, tiêu được xát đều trong bụng lợn cho ngấm, rồi lấy lá mác mật (Đây là loại cây cho lá và trái thơm, hương lạ và thường được dùng trong các món ăn của các dân tộc Nùng, Tày) loại bánh tẻ rửa sạch cho vào bụng lợn. Lợn quay nóng không xẻ luôn mà phải chờ cho nguội để khi chặt thịt không bị nát. Lợn sau khi quay được chặt chặt thành từng miếng vừa ăn xếp ra đĩa, da óng màu mật, vàng rộm cánh gián. Thịt ăn chắc có vị ngọt của thịt chín tới, vị thơm của lá mác mật, vị béo ngậy của dầu hòa quyện với mật ong rừng.

Phở chua Lạng Sơn

Được biết đến như là món ăn “hàn thực”nên phở chua được ưa chuộng nhất vào mùa thu và mùa hè. Phở chua được coi là món ăn đặc sản đáng tự hào của người Lạng Sơn, bởi vậy nó là món không thể thiếu trong các dịp đón khách quý tới nhà.






Phở chua Lạng Sơn.

Nguyên liệu của món phở chua cũng khá kỳ công với hai phần: nguyên liệu khô và phần nước. Phần khô trước hết phải kể đến là bánh phở được làm se lại sao cho vừa dẻo vừa dai, khoai tây thái chỉ đảo qua dầu ăn cho thật giòn và vàng rộm lên, gan lợn cũng thái mỏng bằng lòng bàn tay rán cháy cạnh,… Phở chua được ăn kèm với các loại thịt cay như: thịt ba rọi, thịt vịt hay dạ dày quay được tẩm ướp tỏi và các gia vị khác tạo nên một hương vị riêng của tô phở.

Những thứ trang điểm cho món phở chua gồm có lạc rang giã dập, các loại rau thơm, hành khô, dưa chuột và vài lát lạp xưởng thái mỏng. Ngoài ra còn có thêm thứ gia vị đặc biệt mà người địa phương quen gọi là xúng xàng tạo ra một hương vị rất lạ. Người ăn tùy khẩu vị của mình có thể thêm một chút chanh tươi, ớt hay tiêu... Món ăn này cầu kỳ nhưng giá cả rất phải chăng, khoảng 4.000-5.000 đồng/bát

Món khâu nhục

Vào những dịp lễ tết, nhà mới, đám cưới… của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn không thể thiếu món khâu nhục cổ truyền này. Khâu nhục hay còn gọi là “nằm khâu” theo cách gọi của người dân tộc vốn dĩ mang màu sắc văn hóa Trung Quốc, nhưng qua bàn tay của người dân xứ Lạng đã được biến tấu và trở thành món ngon, độc đáo trong những bữa cơm sang trọng.




Khâu nhục.

Để có món khâu nhục đúng vị, điều quan trọng là phải chọn được miếng thịt ba chỉ ngon của con lợn 60-70 kg là vừa. Thịt ba chỉ được cạo sạch lông, rửa sạch để ráo nước và cắt miếng to khoảng 0,5kg cho vào nồi luộc chín tới. Thịt sau khi luộc sơ được tẩm giấm, xì dầu và húng lìu để lên màu bóng mượt rồi dùng tăm tre nhọn đâm thật kỹ lên bì lợn để bì có khả năng hấp thụ nước cho thật mềm. Đây là bí quyết giúp cho miếng thịt mềm và ngấm đều gia vị hơn của người Tày, Nùng đã dùng từ lâu đời. Sau đó, thịt được đem quay và quết mật ong hoặc chao vàng trong chảo. Gia vị của món khâu nhục rất cầu kì. Lá tàu soi (một loại rau muối mặn của người Hoa, Tày, Nùng ở Lạng Sơn), đem rửa cho hết sạn và độ mặn, băm nhỏ rồi trộn đều với tương tàu, xì dầu, húng lìu, tỏi giã nhỏ xếp xuống dưới đĩa, trên là khoai môn hoặc khoai lang.

Thịt được thái thành từng miếng độ dày mỗi miếng khoảng 1,5cm (mỗi bát 8 miếng) xếp thịt lên trên đĩa thành hình tròn, úp bát to vào lật lại để nguyên đĩa, xếp từng bát thịt vào nồi hấp cách thủy độ 3-4 giờ cho thịt chín và mềm nhừ. Khâu nhục làm xong có màu vàng đều, hấp dẫn và mùi thơm đặc trưng không lẫn vào đâu. Tuy là món ăn quá quen thuộc của người dân xứ Lạng nhưng khâu nhục vẫn là món ăn mà ai cũng “gật gù” khen ngon.

Bánh cuốn trứng Lạng Sơn

Không cầu kì, cao sang nhưng ngon đến lạ lùng… đó là dư vị của món bánh cuốn trứng Lạng Sơn mang lại cho du khách khi ghé thăm vùng đất này. Vẫn là bánh cuốn với gạo được xay mịn thành bột rồi tráng mỏng nhưng điểm khác của bánh cuốn trứng xứ Lạng so với các loại bánh cuốn khác bởi lớp nhân bên trong và nước dùng được chế biến rất lạ. Để chế biến được vỏ bánh cuốn mềm, dẻo mà lại dai, phải chọn được loại gạo ngon, hạt đều. Bởi thế mà người vùng cao thường dùng gạo nương với hương vị đặc trưng, đậm đà của miền sơn cước.


Bánh cuốn Lạng Sơn.

Nước chấm ăn với bánh cuốn là nước ninh từ xuơng ống trộn với thịt băm, thêm chút gia vị đường, ớt, rau mùi băm nhỏ… Bánh cuốn trứng Lạng Sơn phải được thưởng thức ngay khi còn nóng hổi mới ngon. Vì vậy, chỉ khi thực khách ngồi vào bàn, người bán hàng mới bắt đầu làm từng mẻ bánh. Bên cạnh bánh cuốn trứng, những thực khách không thích dùng trứng còn có thể thưởng thức món bánh cuốn thịt băm. Thưởng thức miếng ngon ấy, dù trong cái rét mùa đông, bạn vẫn nghe mồ hôi rịn ra chân tóc. Sau khi căng bụng, thêm một bát nước vối nóng khiến hơi thở bốc khói, nghe cả người rân rân sảng khoái. Dù chỉ đến Lạng Sơn một lần, cũng đủ để bạn nhớ một đời.

Rượu Mẫu Sơn

Trong vắt như nước suối, đậm đà, không quá cay nồng mà cũng không quá nhạt, thơm dịu của lá và rễ cây thuốc…ai đã từng uống một lần thì mãi không quên được, đó là rượu Mẫu Sơn xứ Lạng. Rượu Mẫu Sơn do chính tay người dân tộc Dao sống trên đỉnh Mẫu Sơn (Lộc Bình - Lạng Sơn) chưng cất ở độ cao 800-1000m so với mặt biển bằng phương thức truyền thống, được lưu truyền từ đời này qua đời khác.


Rượu Mẫu Sơn.

Để chưng cất được loại rượu có một không hai này, ngoài nguyên liệu chính là gạo và nước suối (được lấy từ những con suối chảy trong núi có độ cao hơn 1000m), thì chất gây men không thể thiếu là lá rừng. Men lá được pha chế từ hơn 30 loại thảo dược quý hiếm như: cây 30 rễ, dây nước, trầu rừng, dây ngọt,… có tác dụng chữa lành vết thương, phong thấp. Các loại thảo dược sau khi rửa sạch, phơi khô thì trộn đều, giã nhỏ với nhau và đem đun. Đợt nước đầu dùng để nhào bột, nước hai để ngâm gạo. Hương vị đặc trưng của rượu Mẫu Sơn được khẳng định qua việc đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng công đoạn: nấu cơm, trộn men, ủ lên men và cho vào hũ, bịt kín trong khoảng 15-25 ngày mới đem chưng cất.

Hiền Anh (Tổng hợp)

Những khu rừng ma ám rùng rợn nhất

Rừng Aokigahara của Nhật Bản là nơi nhiều người tìm đến tự sát, còn rừng Hoia-Baciu của Romani khiến du khách đến đây buồn nôn, chóng mặt.

Rừng Aokigahara, Nhật Bản



Khu rừng bí hiểm Aokigahara của Nhật Bản nổi tiếng là điểm đến của những cái chết cô độc. Cho đến nay người ta vẫn chưa thể giải thích được vì sao, nhiều người lại tìm đến đây để tự sát.

Aokigahara nằm ở chân núi phía Tây Bắc của núi Phú Sĩ. Với diện tích 35 km2, rừng Aokigahara cây cối đan xen dày đặc và rất dễ lạc. Hàng năm, các nhà chức trách phát hiện ra nhiều xác trong khu rừng, trong số đó có nhiều người chết trong tư thế treo cổ.

Rừng đen, Đức



Rừng Đen là một dãy núi có nhiều cây ở Baden-Württemberg, phía Tây Nam nước Đức. Nó được bao bọc bởi các thung lũng Rhine ở phía Tây và phía Nam. Sở dĩ người ta gọi nó là Rừng đen vì cây cối dày đặc, khiến ánh sáng không thể lọt qua được. Nơi đây được coi là sân chơi của nhiều loài động vật, trong đó có chó sói. Sự rùng rợn, tối tăm của khu rừng được miêu tả trong cuốn sách có tên The Necromancer, xuất bản năm 1794.

Đảo rừng Isla de las Munecas, Mexico



Hòn đảo này nằm gần thành phố Mexico. Điều lạ là trên cành cây trong rừng, treo toàn búp bê xấu xí, tạo cảm giác ghê rợn.

Người ta vẫn truyền tai nhau câu chuyện về khu rừng này. Don Julian Santana – một cư dân trên hòn đảo, tìm thấy xác một cô gái trong con kênh cách đây hơn 50 năm. Ông cũng tìm thấy một con búp bê trôi trên con kênh đó.

Và để cầu nguyện cho linh hồn cô gái, ông đã treo con búp bê lên cây. Kể từ đó, ông lang thang thu thập búp bê, treo lơ lửng trên các thân cây.

Một số người tin rằng những con búp bên kia là ác quỷ. Người khác cho rằng, chúng chính là những vệ sĩ của hòn đảo. Dù bạn tin vào lời giải thích nào thì đến đây, ánh mắt của những con búp bê vẫn ám ảnh bước chân của bạn.

Rừng Wychwood, Anh



Nhiều du khách từng đến thăm khu rừng cảm thấy như có bàn tay ai đó đang chạm vào vai mình. Có người còn nghe thấy tiếng ngựa hí. Cái cảm giác hư ảo đó khiến những ai từng đặt chân vào rừng có cảm giác rùng rợn đến ghê người.

Khu rừng Wychwood từng là địa điểm săn thú vị của du khách. Một nhân vật hoàng gia có tên Amy Robsart sống ở thế kỷ 16 từng chết bí ẩn ở đây.

Rừng Hoia-Baciu, Romani



Nhiều người đến rừng Hoia-Baciu của Romani không trở về. Người trở về cho biết, họ buồn nôn, chóng mặt trong suốt thời gian trong rừng. Có người nói họ không hiểu vì sao cây trong rừng lại xoắn vào nhau một cách bí ẩn.

(Theo Infonet)

Lạ miệng với món ăn Đồng Tháp

Miền Tây Nam bộ mà cái nôi là vùng Đồng Tháp Mười rộng lớn, là giang sơn của những loài sản vật hoang dã trên rừng dưới nước như bông Sen, bông Súng, tôm, ốc, rùa, rắn.... Tìm hiểu cách ăn, cách nấu những món ăn đặc sản của người gốc miền Tây là một trong những nét văn hoá đặc sắc ở Đồng Tháp Mười

Ốc treo giàn bếp

Ốc treo giàn bếp đặc biệt nhất là ốc lác. Hiện nay nhiều hộ ở xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò có phong trào mua ốc lác về nuôi bằng cách dùi những con ốc lác xuống lớp đất mỏng (còn gọi là ốc dùi), sau 3-4 tháng cho thu hoạch, giá cao gấp đôi ốc thường. Ốc lác treo giàn bếp thường lựa loại to, khi cần sử dụng con nào cũng mím miệng cạy khó ra, mình ốc có màu xám như đang thiếu nước. Chuẩn bị cho một buổi tiệc, sau khi rửa sạch hết bụi bặm, ta sắp ốc vào một nắp khạp có chứa sẵn nước quậy trứng gà cho ốc uống; những con ốc nghe có nước bắt đầu cục cựa, há miệng, quơ râu uống nước.






Ốc treo giàn bếp

Khoảng 20 phút khi ốc đã uống hết nước, ta bắt từng con vạt đít, cho vào nồi có sẵn một lớp sả, chút muối và đổ thêm ít nước, đun chừng mười phút thì sôi, các con ốc đã há miệng. Bưng nồi ốc đảo đi đảo lại vài lần cho đều rồi đặt lại bếp độ vài phút là ốc chín.Thưởng thức món ốc lác treo giàn bếp phải từ từ, thịt ốc vừa mềm vừa mập, vừa ngọt, vừa cay của vị ớt lại thơm nồng của sả, thật không thể tả nổi. Ai đã từng thử món ốc treo giàn bếp sẽ nhớ mãi hương vị đặc trưng của nó.

Cá lóc nướng trui

Cá lóc rửa sạch, lựa con chừng 1 kg là vừa, thịt cá vừa ngọt, thơm, lại dễ nướng. Xiên một thanh trúc hoặc thanh tre tươi vót sẵn từ miệng cá cho đến đuôi. Nhiều khi nguời ta còn dùng dao chặt bỏ phần đuôi cá vì như vậy thì khi nướng chín phần bụng và xương cá sẽ không bị ứ máu, thịt cá sẽ không tanh khi để nguội. Sau đó cắm những thanh tre đã xiên cá xuống đất và phủ rơm khô lên, người nướng cá “có nghề” phải lượng sao cho rơm vừa đủ để khi rơm vửa tàn thì cá cũng vừa chín. Rơm dư thì cá khét hoặc chín quá, mất ngọt; rơm thiếu thì cá lại nhão, tanh v.v.


Cá lóc nướng trui

Cá chín, đặt nguyên con lên tàu lá chuối, cạo bớt lớp vảy cá bị cháy, xẻ lằn dài theo bụng cá, mở ra làm đôi là ăn được. Lấy miếng cá còn bốc khói cuốn với bánh tráng, rau sống, chấm vào nước mắm hoặc mắm nêm, bạn sẽ thấy thật sướng miệng khi mùi thơm, vị ngọt béo của cá hoà lẫn với các hương vị của khế chua, chuối chát, ăn hoài không ngấy.

Chuột đồng Đồng Tháp

Một trong những món ăn đặc sắc nhất của vùng đất này là món thịt chuột. Món ăn này đã thân thuộc đến mức đi vào câu ca dân gian “Có chuột nào ngon bằng chuột Cao Lãnh/ Có gái nào bảnh bằng gái Nha Mân”. Hiện nay, thịt chuột ở Cao Lãnh, Đồng Tháp vẫn được giới sành ăn đánh giá là một trong những đặc sản được xếp vào hàng “độc chiêu” của miền Tây. Đặc biệt là các món thịt chuột quay lu, chuột nướng, chuột hấp cơm...




Thịt chuột Đồng Tháp

Món chuột này ăn rất béo, thịt thơm ngon không kém gì thịt nai rừng nên người miền Tây gọi thịt chuột là “nai đồng quê” . Món này dùng kèm với muối tiêu chanh và rau răm, chuối chát, cà chua, dưa leo mới đúng điệu

Rắn Đồng Tháp

Dồi rắn chắc chắn là món đặc biệt vì “không phải ai muốn ăn cũng được”. Đặc biệt, bởi chỉ mùa nước nổi mới có, bởi hương vị lạ lùng không bất kỳ món ăn nào. Cùng với chuột, cá, rắn ở Đồng Tháp Mười vào mùa nước nổi nhiều vô kể. Nào là rắn hổ, rắn ri voi, rắn hổ hành đến rắn bông súng, rắn nước,... nhưng để làm món dồi rắn người dân thường chọn rắn bông súng và rắn nước để chế biến.


Rắn Đồng Tháp


Thịt rắn chưa chế biến

Rắn bắt về, thui hoặc trụng nước nóng cho tróc vảy, rút ruột, rửa sạch bụng để ráo nước, rồi lột da. Thịt rắn bằm nhuyễn, nêm chút gia vị, tiêu, bột ngọt. Phần nguyên liệu này sau đó được dùng để dồn vào phần da rắn cho đến khi căng tròn, rồi dùng dây buộc kín hai đầu hoặc có thể phân thành từng đoạn.

Nem Lai Vung

Nhắc đến huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp), người ta thường nhắc đến món đặc sản đi kèm với tên gọi của địa phương nổi tiếng rất lâu đời đó là nem Lai Vung. Nghề làm nem nơi đâu cũng có và cũng với công thức ấy, từng ấy nguyên liệu nhưng cách làm nem chua của người dân nơi đây lại tạo ra hương vị đặc trưng, không nơi nào có được...



Nghề làm nem cũng lắm công phu, làm ra một chiếc nem phải trải qua rất nhiều công đoạn. Thịt làm nem là thịt heo đưa vào cối đá quết nhuyễn, da heo được lạng nhỏ thành từng miếng. Trộn lẫn các thứ thịt, bì, tiêu, ớt, lót kèm lá vông xong nguời ta gói lại bằng lá chuối tươi để từ 3 đến 4 ngày cho lên men ở nhiệt độ khoảng 27-300C. Nem làm ngon và đúng cách phải đủ 8 phần thịt, 2 phần bì, thịt lợn phải tươi, gia vị phải cân đối, gói thật đều tay. Vì vậy mà ở Lai Vung có câu vè : "Từng gói, từng gói nếu ai không giỏi thì gói không đều, từng lá nhỏ tươi bao tròn viên thịt, để lá ít thì nem lâu chua, để thịt vừa vừa thì nem lâu chín..."

Cơm gói lá sen

Cơm nấu bằng gạo huyết rồng với hột sen hấp chín và muối mè, gói trong chiếc lá sen, có thể dùng cho 2 tới 4 người ăn. Ấn mũi dao rạch ba đường vuông góc, vén tấm lá sen lên, sẽ thấy muối mè và hạt sen nổi bật cái màu trắng trên nền cơm đỏ sậm. Cơm ngon, càng nhai càng có vị ngọt và bùi, lại càng bùi béo nhờ tinh chất hột sen và mè tan hòa trong nước bọt.


Cơm gói lá sen


Mùi thơm từ sen khiến cơm có hương vị rất riêng

Cơm rang nóng cùng một chút thịt, lạp xường, hạt sen, trứng... được gói vào lá sen khi mới trút từ chảo xuống. Hương thơm của cơm rang hòa trộn cùng hương sen phảng phất khiến miếng ăn trở thành kỷ niệm khó quên. Và thực khách có thể cảm nhận cả mùa thu qua hương thơm của tấm lá sen già, sợi rơm nếp và từng hơi thơm ngạt ngào của món ăn hết sức tuyệt vời này.

Nguyễn Nhung (Tổng hợp)

Rừng cây ở Hà Giang vào top 6 khu rừng 'bồng bềnh' đẹp nhất

Rừng cây hồ Noong (Việt Nam), khu rừng dưới hồ Kaindy (Kazakhstan), rừng cây hồ Bezid (Romania)... là những địa điểm có khung cảnh đẹp lung linh.

Cây cối thường mọc trên mặt đất và vươn lên phát triển dưới ánh sáng mặt trời. Thế nhưng cũng có không ít rừng cây sinh sôi tươi tốt ngay cả bên dưới mặt hồ. Cùng ghé thăm các khu rừng "bồng bềnh" trên mặt nước độc đáo này.

1. Rừng cây hồ Noong, Việt Nam

Hồ Noong cách thành phố Hà Giang chừng 17 km, được ví như "con mắt của rừng". Với diện tích mặt nước rộng khoảng 20 ha, nằm giữa cánh rừng nguyên sinh rộng gần 100 ha bao quanh, rừng "bồng bềnh" giữa hồ Noong có cảnh sắc hoang sơ đến kỳ thú.



Cùng với thiên nhiên hoang sơ, nước hồ mênh mông chạy dài, ôm gọn lấy chân ngọn núi Noong với những gốc cây xanh tốt và gốc cây khô mọc lên từ trong lòng hồ.

Hồ Noong có hai mùa, tạo cho du khách có hai cảm giác khác biệt. Vào mùa mưa (tháng 4 - tháng 10), nước hồ lên cao, du khách có thể cùng dân địa phương ngao du trên bè hay chiếc thuyền độc mộc lênh đênh khắp lòng hồ. Vào mùa khô (tháng 10 - tháng 4 năm sau), khi nước cạn, người dân nơi đây tận dụng phần đất khô quanh bờ hồ để trồng ngô, lạc, đậu, bí, dưa... còn phần đất phía dưới trồng rau xanh.



2. Khu rừng dưới hồ Kaindy, Kazakhstan

Rừng chìm hồ Kaindy thuộc đất nước Kazakhstan là một trong những dạng rừng chìm độc đáo nhất thế giới. Được hình thành sau trận động đất vào năm 1911, hồ Kaindy dài 400m, cao trên 2.000m so với mặt nước biển, độ sâu có chỗ đạt gần 30m.



Nổi tiếng với phong cảnh yên bình và đẹp như tranh vẽ, nhưng điểm đặc biệt ấn tượng ở hồ Kaindy là khu vực rừng ngập nước với những thân cây linh sam nhô lên như những ngọn giáo từ lòng hồ trong suốt. Nhìn từ xa, khu rừng chìm này như những ngọn giáo "đâm tua tủa" lên trời. Nước hồ xanh ngắt và trong suốt, có thể nhìn tận xuống dưới đáy.

Vào mùa đông, toàn bộ bề mặt hồ Kaindy bị đóng băng nhưng điều đó không ngăn cản được sự phát triển kiên cường của rừng cây nơi đây, nhưng đôi khi người ta buộc phải đập tan băng cho cây cối trong hồ không bị chết ngạt.



Nếu đến hồ Kaindy vào mùa hè, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên độc đáo, sự hòa quyện giữa màu xanh lá ấm áp của rừng cây và màu ngọc bích của trời. Không chỉ thu hút du khách tới thưởng ngoạn, hồ Kaindy còn là địa điểm lý tưởng cho những ai đam mê môn lặn và khám phá khu rừng ngập nước.

3. Rừng cây hồ Bezid, Romania



Tọa lạc tại vùng Transylvania, Romania, lòng hồ Bezid tồn tại những gốc cây mềm mại nhô lên từ mặt nước trông như các bàn tay khô héo, vừa mang vẻ lạnh lẽo nhưng cũng không kém phần đẹp tự nhiên.

Hồ Bezid là một hồ nước nhân tạo, được hình thành ngay sau khi toàn bộ ngôi làng Bezid bị lũ nhấn chìm. Tất cả nhà cửa bị vùi xuống đáy hồ, chỉ có nhà thờ địa phương, cây cối là còn hiện hữu trong hồ nước, nhô mình lên trên mặt nước.

Toàn bộ cư dân tại làng Bezid đã sơ tán đi nơi khác sau khi nhà cửa của họ bị nhấn chìm. Giờ đây, những thân cây sần sùi nhô lên khỏi mặt nước hồ trông xa như bàn tay của một thực thể huyền bí nào đó.

4. Rừng cây hồ Periyar, Ấn Độ

Hồ Periyar là một quần thể rừng chìm với hầu hết các gốc cây đã bị thối rữa nhô cao trên mặt nước hồ. Hồ Periyar còn là một bể chứa nước nhân tạo, được hình thành vào năm 1895 khi người ta tiến hành xây dựng con đập Mullaperiyar.





Dọc theo ven hồ là những khu vực đầm lầy với đồng cỏ cao. Đây là một trong những môi trường sống của các loài động vật hoang dã. Nhiều người nói rằng, trước đây, hồ Periyar là một khu rừng sống sinh động. Những thân cây chết chóc hiện tại là minh chứng hùng hồn nhất cho sự hủy hoại môi trường sống của con người.

5. Rừng cây hồ Volta, Ghana

Hồ Volta là bể chứa nước lớn nhất trên bề mặt Trái đất, chiếm 1/4 trữ lượng nước ngọt trên thế giới. Hồ nước này nằm trong lòng Ghana, với diện tích bề mặt lên đến 8.502 km 2 .

Hồ được hình thành bởi đập thủy điện Akosomba (bắt đầu được xây dựng năm 1961, khánh thành vào năm 1965), cung cấp nguồn điện năng đáng kể cho Ghana và nước láng giềng. Sự hình thành của hồ Volta đã khiến 78.000 người buộc phải tái định cư đến nơi ở mới, 200.000 động vật phải di chuyển, khoảng 120 tòa nhà và vô số ngôi nhà nhỏ đã bị phá hủy.



Nước hồ Volta ấm áp quanh năm, tạo điều kiện cho các loài cá sinh sôi đồng thời hình thành nên các cộng đồng ngư nghiệp trù phú.

Không những thế, hồ Volta hiện được xem như là môi trường tài nguyên quý báu của những người khai thác gỗ. Những loại gỗ cứng nhiệt đới này sau một thời gian ở trong tình trạng thiếu oxy trở thành loại gỗ có giá trị cao. Tuy nhiên, việc khai thác gỗ này sẽ làm mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của các loài cá trong hồ.


6. Rừng cây hồ Caddo, Texas

Nằm ở ranh giới giữa hai bang Texas và Louisiana, Hoa Kỳ, khu rừng ngập mặn trên hồ Caddo rộng khoảng 103 km 2 đem lại cho du khách một cảm nhận mới lạ.



Khác với những vùng hồ chết chóc nổi trên mặt nước, Caddo thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan bởi những tán cây khổng lồ tuyệt đẹp rủ trên mặt nước, khiến cả vùng hồ mang một vẻ đẹp thần tiên hiếm có. Những tán cây bách xanh tươi vẫn đang xòe rộng dưới làn nước hồ. Loại cây này phát triển mạnh trong môi trường sống ẩm ướt, đầm lầy, ngập nước, một số cá thể có thể sống hơn 1.000 năm.




Theo Màn Ảnh Sân Khấu

Wednesday, January 30, 2013

Ruộng bậc thang kỳ vĩ ở Philippines

Ruộng bậc thang Banaue ở Philippines là minh chứng cho sự hòa hợp của con người với thiên nhiên.

Khoảng 2.000 năm trước đây, khu vực núi non ở tỉnh Ifugao, Philippines đã được những người thổ dân nơi này canh tác và kỳ công “đẽo gọt”, để tạo nên những ruộng bậc thang khổng lồ, có chiều cao hàng nghìn mét.



Những thửa ruộng này được rất nhiều người ca tụng là kỳ quan thứ 8 của thế giới bởi mức độ đồ sộ, thể hiện kỹ thuật điêu luyện của người xưa.

Những ruộng bậc thang ở Ifugao được xây dựng theo hình dáng của núi non nơi đây, mang một vẻ đẹp hòa hợp hoàn hảo giữa thiên nhiên và bàn tay con người. Rất nhiều thế hệ các bộ lạc ở Ifugao đã canh tác, gắn liền với đất đai nơi đây.



Tổ tiên của những người dân bộ lạc Ifugao ban đầu đã sử dụng đá và bùn để xây dựng nên những công trình này với đầy đủ phần ruộng canh tác và hệ thống dẫn nước tưới tiêu từ đỉnh núi trong khu rừng. Tất cả các công trình khiến những kỹ sư ngày nay cũng phải ngại đều được người dân Ifugao làm thủ công từng giai đoạn.



Khu ruộng bậc thang nổi tiếng nhất của người Ifugao là ruộng bậc thang Banaue, đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Quy mô của ruộng bậc thang này rất đáng kinh ngạc. Những bậc thang này leo lên tới chiều cao 1.500m và chiều dài tới tận 10.360km, một con số thể hiện sức lao động đáng ngưỡng mộ của người xưa.



Dần dần, từ những thửa ruộng chỉ gắn liền với công việc đồng áng, vụ mùa, những bậc thang khổng lồ này đã đóng vai trò quan trọng cả trong đời sống văn hóa, tâm linh của người dân Ifugao, gắn liền với nhiều lễ hội quan trọng.



Để tới tham quan ruộng bậc thang Banaue, du khách có thể bắt xe bus hoặc mua tour từ thủ đô Manila. Mỗi hành trình như vậy kéo dài 11 giờ. Nhưng bù lại sự mệt mỏi trên chặng đường dài, những gì du khách được chiêm ngưỡng là không gì sánh bằng.



Đi dạo trên các ruộng bậc thang này là hoạt động thú vị nhất. Tuy nhiên, bạn nên nhờ đến sự giúp đỡ của các hướng dẫn viên để tìm đường đi nhanh nhất, vì mỗi thửa ruộng này có thể cách nhau tới 10m. Dọc đường đi, bạn cũng có thể ghé qua các khu làng Batad và Bangaan, nằm ngay giữa các ruộng lúa bậc thang xanh ngắt.



Hiện nay, do sự sói mòn của đất cũng như việc các thanh niên trong làng bỏ vùng quê lên thành phố, tới 25% đất ở Ifugao đã bị bỏ hoang, đặt những người làm trong ngành du lịch Philippines trước nguy cơ suy tàn của di tích UNESCO nghìn năm tuổi. Nhiều nỗ lực đã được xúc tiến để giữ gìn, bảo tồn kỳ quan khổng lồ này.






Theo Xzone

Lạc vào vùng đất núi lửa tuyệt đẹp

Kamchatka được coi là vùng đất huyền bí trong mắt dân du lịch cũng như các nhà khoa học.

Nằm ở điểm cực Đông của nước Nga, có một bán đảo còn giữ được vẻ hoang sơ hầu như nguyên vẹn. Đó là Kamchatka, nơi được mệnh danh là “vùng đất của núi lửa và vòi phun nước nóng”.



Trước năm 1990, bán đảo rộng lớn ở vùng nước nóng gần biển Okhotsk này hoàn toàn không mở cửa đón du khách nước ngoài. Thậm chí, ngay cả người dân Nga cũng phải xin những giấy phép đặc biệt mới có thể bước chân vào khu vực hoang dã, đầy bất trắc này.





Ngày nay, Kamchatka đã mở cửa rộng rãi hơn cho du khách, thỏa mãn giấc mơ của dân du lịch mạo hiểm và cả những nhà khoa học trên toàn thế giới tới đây để nghiên cứu hệ sinh thái phong phú.

Mặc dù đã đón khách du lịch nhưng những điều kiện vật chất dành cho ngành du lịch tại Kamchatka vô cùng thiếu thốn. Điều này khiến việc khám phá vùng đất không dễ dàng nhưng cũng đồng nghĩa với việc nơi đây hầu như còn nguyên sơ, chưa bị bàn tay con người phá hủy.





Kamchatka được tạo hóa phú cho một cảnh quan thiên nhiên mê hoặc và sự đa dạng sinh thái không đâu sánh bằng. Nơi đây có những thung lũng hoa nở tươi đẹp, những con sông chảy xiết nơi loài gấu nâu Kamchatka thường bắt cá hồi. Đặc biệt, với vô vàn ngọn núi lửa cao thấp, còn hoạt động và đã tắt lửa, Kamchatka được phong tặng là di sản thế giới của UNESCO.



Đỉnh núi lửa nổi tiếng nhất tại đây là Tolbachik, với đường lên lòng chảo cheo leo nhưng bù lại, du khách được ngắm nhìn toàn cảnh khu vực với vô vàn đỉnh núi lửa nhấp nhô.

Bạn cũng có thể lựa chọn những tour du lịch bằng máy bay trực thăng, thăm thung lũng suối nước nóng, nơi có những ngôi nhà gỗ xinh xắn nằm bên hồ Kurrilskoye, nơi ngọn núi lửa Khodutka soi bóng.





Bên cạnh đó, lộ trình tham quan đường bờ biển bên vịnh Avachinsky hay khu mỏ vàng bỏ hoang cũng khiến du khách vừa tò mò, vừa thích thú.

Lựa chọn một tour đi thuyền, câu cá dọc theo sông Avacha cũng là một ý tưởng không tồi, để lại cho du khách nhiều kỷ niệm khó quên về vùng đất hoang dã ở cực Đông xứ sở bạch dương này.









Theo Xzone

Popular Posts