Sunday, March 9, 2014

Vietnam Youth Center For Tourism

VÀI NÉT VỀ CAMBODIA



Vương quốc Campuchia còn được gọi là Căm Bốt (theo tiếng Pháp: Cambodge) hay Cao Miên (theo âm Hán-Việt của từ "Khmer"), là một quốc gia nằm trên bán đảo Đông Dương ở vùng Đông Nam Á, nằm nối liền với vịnh Thái Lan ở phía Nam, Thái Lan ở phía Tây, Lào ở phía Bắc và Việt Nam ở phía Đông. Campuchia có ngôn ngữ chính thức là tiếng Khmer, thuộc nhóm Môn-Khmer trong hệ Nam Á.

  • Khẩu hiệu quốc gia: (Tiếng Khmer: "Quốc gia, Tôn giáo, Hoàng thượng"

  • Thủ đô: Phnom Penh

  • Ngôn ngữ chính thức: Tiếng Khmer

  • Đơn vị tiền tệ: đồng riel

  • Đối tác Thương mại: Hoa Kỳ, Đức, Anh, Thái Lan, Singapore

  • Ngôn ngữ: Khmer, Anh, tiếng Pháp

  • Tôn giáo: Phật giáo (88%), Hồi giáo (2,4%)

  • Thành phần sắc tộc: Khmer (94%), Hoa (4%), Việt (1%)

  • Chính phủ: Quân chủ lập hiến dân chủ

  • Vua: Norodom Sihamoni

  • Thủ tướng: Hun Sen

  • Diện tích: 181.040 km² (hạng 87)

  • Dân số: Ước lượng năm 2004: 13.363.421 (hạng 65)

  • Tên miền Internet:kh

  • Mã số điện thoại: +855


Địa lý
Diện tích Campuchia khoảng 181.040 km², có 800 km biên giới với Thái Lan về phía bắc và phía tây, 541 km biên giới với Lào về phía đông bắc, và 1.137 km biên giới với Việt Nam về phía đông và đông nam. Nước này có 443 km bờ biển dọc theo Vịnh Thái Lan.

Đặc điểm địa hình nổi bật là một hồ lớn ở vùng đồng bằng được tạo nên bởi sự ngập lụt. Đó là hồ Tonle Sap (Biển Hồ), có diện tích khoảng 2.590 km² trong mùa khô tới khoảng 24.605 km² về mùa mưa. Đây là một đồng bằng đông dân, phù hợp cho cấy lúa nước, tạo thành vùng đất trung tâm Campuchia. Phần lớn (khoảng 75%) diện tích đất nước nằm ở cao độ dưới 100 mét so với mực nước biển, ngoại trừ dãy núi Cardamon (điểm cao nhất là 1.771 m), phần kéo dài theo hướng bắc-nam về phía đông của nó là dãy Voi (cao độ 500-1.000 m) và dốc đá thuộc dãy núi Dangrek (cao độ trung bình 500 m) dọc theo biên giới phía bắc với Thái Lan.

Nhiệt độ dao động trong khoảng 10-38°C. Campuchia có các mùa mưa nhiệt đới: gió tây nam từ Vịnh Thái Lan/Ấn Độ Dương đi vào đất liền theo hướng đông bắc mang theo hơi ẩm tạo thành những cơn mưa từ tháng 5 đến tháng 10, trong đó lượng mưa lớn nhất vào khoảng tháng 9, tháng 10; gió đông bắc thổi theo hướng tây nam về phía biển trong mùa khô từ tháng 11 đến tháng 3, với thời kỳ ít mưa nhất là tháng 1, tháng 2.

Campuchia cũng là quốc gia có nhiều loài động vật quí hiếm trên thế giới sinh sống, nổi bật nhất là hổ, voi và bò tót khổng lồ. Rất nhiều loài đang đứng trước hiểm họa diệt chủng do nạn săn trộm và phá rừng.

Kinh tế

Sự phát triển của nền kinh tế Campuchia bị chậm lại một cách đáng kể trong thời kỳ 1997-1998 vì khủng hoảng kinh tế trong khu vực, bạo lực và xung đột chính trị. Đầu tư nước ngoài và du lịch giảm mạnh. Trong năm 1999, năm đầu tiên có được hòa bình thực sự trong vòng 30 năm, đã có những biến đổi trong cải cách kinh tế và tăng trưởng đạt được ở mức 5%. Mặc dù bị ngập lụt tràn lan, GDP tăng trưởng ở mức 5.0% trong năm 2000, 6.3% trong năm 2001 và 5.2% trong năm 2002. Du lịch là ngành công nghiệp tăng trưởng mạnh nhất của Campuchia, với số du khách tăng 34% trong năm 2000 và 40% trong năm 2001 trước sự kiện khủng bố 11 tháng 9 năm 2001 tại Mỹ. Mặc dù đạt được những sự tăng trưởng như vậy nhưng sự phát triển dài hạn của nền kinh tế sau hàng chục năm chiến tranh vẫn là một thách thức to lớn. Dân cư thất học và thiếu các kỹ năng nghề nghiệp, đặc biệt là ở vùng nông thôn nghèo đói gần như chưa có các điều kiện cần thiết của cơ sở hạ tầng. Sự lo ngại về không ổn định chính trị và tệ nạn tham nhũng trong một bộ phận chính quyền làm chán nản các nhà đầu tư nước ngoài và làm chậm trễ các khoản trợ giúp quốc tế. Chính quyền đang phải giải quyết các vấn đề này với sự hỗ trợ của các tổ chức song phương và đa phương.

Campuchia đã gia nhập tổ chức Tổ chức Thương mại Thế giới từ ngày 13 tháng 10 năm 2004.

Đầu năm 2007, nhiều nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới, Đại học Harvard và nhiều tổ chức uy tín khác trên thế giới được công bố: cho rằng Campuchia có trữ lượng có thể lên đến 2 tỉ thùng dầu và 10.000 tỉ mét khối khí đốt.

Shopping ở Phnom Penh

Sài Gòn-Phnom Penh theo ngả đường bộ có thể tạo cho bạn một chuyến mua sắm thú vị vào dịp cuối tuần. Cho tới khi Hiệp định miễn thị thực giữa công dân hai nước được thực thi “trót lọt”, thì đây là một shopping tour khá lý tưởng.

Trưa thứ sáu

Chưa biết bao giờ nhu cầu đi lại giữa công dân hai nước qua ngả đường bộ tăng lên đủ để các cửa khẩu ở đây thực hiện thông quan ban đêm, để đêm ngủ trên xe, mở mắt là thấy Phnom Penh. Giờ đây chuyến hành trình chỉ có thể bắt đầu bằng chuyến xe từ 1g30 trưa thứ sáu từ Sài Gòn đi Mộc Bài và 3g từ cửa khẩu Mộc Bài đi Phnom Penh. Do Campuchia không có lệ “bắn tốc độ”, nên hành trình kéo dài 6 tiếng rưỡi đồng hồ, kể cả thời gian chờ làm thủ tục thông quan. Chi phí xe đò khứ hồi là 21USD, phí thị thực 25USD.

Qua bến phà Neak Loeung, Phnom Penh - chỉ còn cách chừng 70km - mở ra một sự tương phản gay gắt giữa giàu trung tâm và nghèo vùng ven. Nhà cửa ở đây không thấy ánh điện, phải tới thật gần thủ đô, người ta mới thấy lác đác những ngôi nhà đốt điện bằng bóng compact xài bình. Trụ ăngten TV cũng thưa thớt, không dày bằng U Minh cách đây 10 năm.

Bỏ lại sau lưng hai cây cầu lớn, bạn tiếp cận Phnom Penh khi vượt qua một cây cầu khá nổi tiếng, mà kiều bào Việt ở đây thường gọi là cầu Sài Gòn, thực ra tên Khmer là cầu Preah Monivong, lấy theo tên của Hoàng tử con đức vua Sisowath, xây dựng mới năm 2000, bắc qua sông Sap. Bên này cầu, vẫn còn trên quốc lộ 1, phía phải, là chợ Chbar Ampau, nơi được bảo là có rất nhiều dân Việt kinh doanh mua bán. “Nhưng tụi nó “đĩ ng.” lắm, chỉ toàn nói tiếng Miên không anh ơi, chẳng đứa nào nhận mình là “Duồn” (Việt). Ở Phnom Penh này hết một nửa là người Việt. Để ý đàn bà con gái ngồi chàng hảng sau xe honda là người Việt thôi”, chị vợ người Khmer của chủ quán bánh mì Dũng bên kia khách sạn New York, trên đường Preah Monivong, thởi lởi kể chuyện. Đương nhiên con số chị nêu không thể chính xác, nhưng có thể nhìn thấy những chứng cứ khá hùng hồn. Ở chợ Chbar Ampau có hàng chục xe đổi tiền chỉ nhỏ như xe bánh mì vỉa hè ở Sài Gòn, xe nào cũng để rất nhiều kiện tiền 100.000 VND nằm cùng các loại tiền USD, tiền riel, tiền euro, v.v... Ngoài đường phố, tỷ lệ số phụ nữ ngồi phía sau mô tô một bên và hai bên không kém gì nhau. Qua cầu Preah Monivong, bạn tiếp tục đi theo đại lộ cùng tên này là vào đến khu trung tâm. Đây là trục đường chính xuyên Phnom Penh. Tại khu trung tâm trên đại lộ này, bạn có thể chọn ở khách sạn New York, Pacific hoặc Asia. Giá các khách sạn này cũng hạ dần theo thứ tự vừa nêu, nhưng những ngày cuối tuần New York không có phòng nếu không book trước.

Đáng chú ý trước tiên khi bạn bước xuống xe đò, chuẩn bị đón xe ôm hoặc tuk-tuk về khách sạn, là chuyện giá cả. Mấy ông bạn Khmer làm dịch vụ này lúc nào cũng nói thách, dù du khách là Việt hay người nước ngoài, bởi vậy phải trả giá, và không nên mặc cả bằng tiền USD, vì đơn vị nó nhỏ, khó mặc cả, chỉ mặc cả bằng tiền riel, theo giá 4.000 riel/USD.

Dân Khmer nói chung và dân Phnom Penh nói riêng cũng đều đi ngủ sớm, tuy chính quyền không ra những chỉ thị nghiêm khắc về “giới nghiêm” như ở các thành phố du lịch Sài Gòn, Hội An. Một người khách đi cùng chuyến xe đò với chúng tôi, đang có business làm ăn bên này, bảo: “Ở đây muốn mướn người Miên làm công, thì phải trả tiền vừa thôi, vì khi họ có nhiều tiền họ sẽ bỏ việc để ăn xài hết tiền mới quay trở lại làm tiếp”. Có lẽ chuyện này liên kết với chuyện ngủ sớm được.

Nên khi đặt chân tới Phnom Penh lúc gần 8g tối, sau khi ổn định chỗ ở, bạn chỉ còn biết đi ăn, vì cái bữa ăn nhạt nhẽo trị giá 15.000 đồng do nhà xe bao tại Than Thy Da quán của người Việt ở Bavet, gần cửa khẩu và đối diện 3 cái casino chuyên đón người Việt đến đánh bài, đã tiêu mất. Trên đại lộ Preah Monivong có quán mang đậm khẩu vị châu Á như Restaurant Nouveau Pho de Paris, cạnh khách sạn New York. Giá cũng chấp nhận được.

Sáng thứ bảy

Ngôi chợ (tiếng Khmer là Phsar) gần đường Preah Monivong nhất, nếu bạn ở khách sạn Asia, thì càng gần hơn, là chợ Thmey. Từ Phsar Thmey có nghĩa là chợ mới, nhưng người ta vẫn quen gọi bằng tiếng Anh là Central Market. Điều này khiến bạn có thể lộn với Phsar Kandal gần chùa Unalaum và bờ sông, nghĩa là chợ Trung Tâm.

Trước năm 1935, khu này là một cái túi chứa nước trong mùa mưa. Từ 1935-1937, chợ bắt đầu xây dựng theo phong cách art decor độc nhất vô nhị, đủ sức biểu trưng cho Phnom Penh, sức biểu trưng mạnh hơn cả chợ Bến Thành ở Sài Gòn, nhờ kiến trúc mô phỏng kiến trúc mái xếp nếp truyền thống cách điệu của người Khmer – một phong cách kiến trúc rất riêng. Chợ Thmey phải chăng cách điệu từ khu đền Mebon cũng gồm 5 yếu tố, trụ ống giữa tròn tượng trưng cho linga Rajendresvara và 4 cánh? Bên trong lồng chợ rộng rãi cho thấy kỹ thuật đà vòm bê tông đã đạt độ chín của thời hiện đại.

Trước khi bước vào chợ, bạn sẽ trố mắt ra trước sạp bán dế chiên giòn đang ngày càng hấp dẫn du khách. Sow Teak, 25 tuổi, bán dế chiên ở đây đã năm năm, cho biết làm ăn cũng khá, nhưng mấy năm gần đây đã không được như trước, vì nước lụt làm ảnh hưởng đến những vùng người ta bắt dế. Mỗi ngày cô còn bán được khoảng 50kg “snack” này. Có những du khách đặt mua mang về khi thì 10kg, khi thì 20kg. Lúc đó họ yêu cầu gói hàng đặc biệt để dễ thông quan.

Chị vợ anh Dũng dặn, mua hàng ở đây phải nhớ trả giá, vì trả cỡ nào cũng dính, phải cẩn thận. Ở đây “Duồn” cũng nhiều. Từ ngoài chợ vào, đã nghe đây đó tiếng mời chào mua hàng bằng tiếng Việt.

Chợ chuyên bán vàng nữ trang, quần áo, hoa và điện máy. Những người sành bảo: ở đây chỉ đi xem cho biết. Nhưng có một điều đáng ngạc nhiên là dân bán hàng ăn ở đây có giải pháp cho vấn đề vệ sinh hơn hẳn dân Sài Gòn. Bạn có thể sà xuống một hàng chè và yên tâm ăn uống, mà không sợ chỉ có một xô nước để rửa hàng trăm cái chén mỗi ngày. Vì cũng ăn chè bằng chén, nhưng trước khi cho chè vào, cô hàng đã lót một tấm giấy nhựa trong. Khách ăn xong, cô chỉ việc quẳng tấm nhựa trong vào sọt rác.

Bên kia một con đường trong những con đường bọc chợ Thmey là chợ Sorya hiện đại “đối xứng” 180 độ với chợ Thmey truyền thống. Đó là một siêu thị kiểu Thái hơn là một cái mall. Nó lớn hơn bất kỳ một siêu thị nào ở khu trung tâm Sài Gòn. Sáng thứ bảy hôm ấy, khách vào ra tấp nập. Nhưng dường như họ chỉ vào để dán mũi vào các cửa kính để rồi lên căngtin mua coupon ăn uống hoặc ngon lành hơn, vào thế gới BB “xơi” thức ăn nhanh.

Dầu vậy, quầy điện thoại của chợ Sorya lúc nào cũng đông khách. Mua bán giao dịch liên tục. So với ở Sài Gòn, giá điện thoại ở đây rẻ hơn khá nhiều, 25-30%. Điện máy cũng vậy. Ở đây cũng phải trả giá, nếu không phải là quầy có niêm yết giá, nhưng chỉ được giảm vài USD, cao lắm là 10 USD, cho một mặt hàng khoảng 6-70USD.

Sáng chủ nhật

Toul Tom Poung, còn gọi là chợ Nga, Russian Market/Orussey Market, là chợ có một số cái để mua và nói thách ít nhất. Chợ nằm khá xa khu trung tâm, về phía cầu Sài Gòn. Tại đây, bạn có thể lang thang hàng giờ, những phim DVD bạn ưa thích nói tiếng Anh và có phụ đề tiếng Anh. Những đĩa nhạc hiếm. Bạn cũng có thể chọn hàng lô hàng lốc quần áo cùng loại nhưng rẻ bằng một nửa so với ở Sài Gòn. Kể cả những đồ bạc lưu niệm giả cổ.

Nếu còn kịp thời gian, bạn có thể tranh thủ ghé chợ hàng nghĩa địa lớn Boeung Keng Kang. Hàng ở đây giá rất rẻ, từ giày, giày thể thao, càvạt, kiếng, mũ…

Vậy là xong một chuyến shopping Phnom Penh. Chắc rằng trong rổ đi chợ của bạn có khá nhiều thứ, nhất là điện thoại di động được bạn bè bên nhà gửi mua dùm.

(Theo: Sài Gòn Tiếp Thị Online)

Cưỡi xe máy lên Phnom Penh

Cuối tuần, chỉ cần qua cửa khẩu Khánh Bình (An Giang) đến cửa khẩu Chraythom là bạn đã đặt chân trên đất tỉnh Kandal (Campuchia). Phóng xe gắn máy vượt đoạn đường 72km, hơn tiếng đồng hồ là tới thủ đô Phnom Penh.

Đâu là hủ tíu Nam Vang?

Phnom Penh - thành phố duyên dáng với hơn 1 triệu dân. Theo quốc lộ 3, càng gần đến thủ đô, hai bên đường càng đông vui.

Giữa lòng thành phố, quán cơm bày bàn tràn vỉa hè như bên ta. Nhưng đã đến Phnom Penh bạn nên thưởng thức cho bằng được hủ tíu Nam Vang lừng danh từ hơn nửa thế kỷ nay. Tới Phsa Thmey (chợ Mới), ghé Hai You Restaurant trên đường số 5. Tiếng restaurant nhưng thực ra chỉ là quán bình dân, bày bàn tràn lề đường, những tô hủ tíu dọn ra. Sợi hủ tíu nhỏ như bún với những tim, gan, phèo, phổi, nạc, một ít hẹ xắt nhỏ, ít giá sống và 2 tép hành gốc, ớt hiểm ngâm giấm. Thưởng thức hủ tíu Nam Vang chánh gốc bảo đảm bạn sẽ hài lòng vì nước lèo vừa miệng, tô hủ tíu vừa đủ no để thòm thèm muốn được cầm đũa tiếp, giá 3.500 riel/tô. Đi ăn ở Phnom Penh, bạn sẽ hài lòng về vệ sinh: muỗng, nĩa, đũa đều được ngâm trong lọ nước nóng.

Chợ Phsa Thmey - mới và cũ

Phsa Thmey được xây dựng từ năm 1937, có mái vòm hình cầu cao, thanh thoát. Xây từ thời thuộc Pháp, nay đã chật chội, các sạp "bé tí" như các sạp chợ Bến Thành. Không đủ đáp ứng nhu cầu buôn bán, chợ phải phát triển từ mái vòm toả ra 3 nhánh bán các ngành hàng khác nhau, có bốn ngả vào nên còn gọi là chợ Bốn Mặt. Bốn ngả vào chợ đều có điểm đổi USD và một ít tiền Việt. 1 riel đổi 4 VNĐ. 1USD = 16.000 VNĐ. Tốt nhất, bạn nên đổi USD để tiện mua hàng. Cũng giống như chợ Bến Thành, nội thị Phsa Thmey bán đủ các loại hàng, có một ít hàng Việt, người bán hàng nói dai… như đỉa để bạn mua dù món hàng đó chỉ trị giá 1.000 riel. Để có quà kỷ niệm chuyến đi, bạn nên mua hàng mỹ nghệ, đồng hồ đeo tay, nhưng phải trả giá thiệt "đậm" may ra không bị "hố".

Gần dòng sông Bốn Mặt, bạn có thể ngồi trên lề đại lộ Preah Ponhea Yat, bên phải Hoàng cung. Chỉ cần vài ngàn riel là bạn có một đêm ngất ngây say bên sông lấp lánh ánh đèn.

Hoàng cung sơn thếp vàng

Hoàng cung nằm bên đại lộ Samdech Sothearos. Trước mặt là dòng sông Bốn Mặt mênh mông. Vào cửa thăm Hoàng cung 3USD/người. Nếu mang theo máy ảnh, phải mất thêm 2USD/máy. Vào cổng rồi, móc máy chụp thoải mái, ngoại trừ bên trong điện Ngai Vàng và chùa Bạc. Điện Ngai Vàng là ngôi tháp cao 59m, nơi làm việc, đăng quang của nhà vua trước đây. Điện được vua Sisowath khánh thành năm 1919, ngoài ngai vàng còn có 6 pho tượng các vị tiên vương có lẽ được sơn phết vàng. Đáng chú ý nhất là tượng Phật bằng vàng to như người thật, nặng 90kg, có đính 9.584 viên kim cương và xá lợi Phật Thích Ca thỉnh từ Sri Lanca. Chùa xây dựng đầu tiên bằng gỗ năm 1892, xây gạch như hiện nay vào năm 1962. Trong khuôn viên Hoàng cung rộng 16 mẫu này có nhiều ngôi tháp cao. Đặc biệt là ngói màu xám bạc do Hoàng đế Napoleon đệ tam xây tặng vua Norodom. Gần chùa Bạc có ngọn đồi cao khoảng 10m với hai lối lên, bên trong ngôi đền trên đỉnh đồi có ngôi mộ phết vàng. Anh Vong Sophea (số 36-38, Mao Tse Tung Blvd, Phnom Penh) hướng dẫn viên du lịch cho biết thăm khắp Hoàng cung mất cả ngày. Bạn nên có hướng dẫn viên, giá 5USD.

Khi túi tiền khiêm tốn

Phnom Penh có rất nhiều khách sạn với nhiều giá khác nhau. Nhưng nếu bạn có túi tiền khiêm tốn, nên chọn Long Beach Plaza Hotel uy nghi nằm giữa trung tâm thủ đô. Bên này, đường sá có nơi có tên đường nhưng khi thì bằng chữ Campuchia, khi thì bằng chữ Anh. Có lẽ đó là những con đường lớn và đẹp nhất của thành phố này. Long Beach Plaza Hotel 3 tầng lầu với 30 phòng, 20USD/phòng, hai giường đôi, 4 người nghỉ. Tiện nghi phòng gồm máy lạnh, vòi sen, nước nóng lạnh, bồn tắm, thảm trải sàn, truyền hình 21 inch (phẳng) cáp gần 40 kênh, "bắt" được VTV1, VTV3, VTV4.

Dọc bờ sông Tole Sap, ngược về hướng tây sẽ đến núi. Tương truyền, xưa kia, bà Penh vớt được 2 bức tượng Phật bằng gỗ trên sông nên đắp núi xây chùa thờ vào năm 1373. Điện thờ được xây lại vào các năm: 1434, 1806 và 1926. Trong điện thờ Phật, các vị thần Ấn Độ giáo, Khổng Tử… được nhiều người Khmer, Hoa, Ấn đến tụng niệm. Núi Đất có hai lối lên phụ, nếu theo cửa chính, khách trong nước miễn vé, khách nước ngoài 1USD/người. Còn lên lối phụ thì… free.

(Theo: Sài Gòn tiếp thị)



Campuchia với những bất ngờ

Trước khi đến đất nước của những khu đền Angkor huyền thoại, chúng tôi đã được nghe nhiều lời “hù dọa” từ một số người bạn (có những người chưa đặt chân đến Campuchia bao giờ!) đại loại: đừng đi chơi ban đêm, coi chừng bị “bắn” chết …

Nhưng không bàn đến những vấn đề trên, sau đây chúng tôi sẽ đề cập đến những điều bất ngờ khi đến đất nước có nền văn hoá đặc biệt ấn tượng này.

1. Khả năng nói tiếng Anh của người dân Campuchia sẽ làm bạn bất ngờ. Bạn sẽ không phải sợ khi lạc đường hay trao đổi với bất cứ ai bạn gặp. Thắc mắc gì cứ việc hỏi, vì từ người dân nước này biết nói ngoại ngữ từ rất sớm (tất nhiên đa phần là nói “bồi”). Tiếng Anh và tiếng Pháp được coi là “ngôn ngữ thứ 2”.

2. Không có bóng dáng của taxi. Bạn không thể kiếm taxi, ngay cả khu đông khách nước ngoài nhất tại Sieam Reap. Phương tiện đi lại là tuk tuk (khác với tuk tuk Thái Lan, ở Campuchia tuk tuk được coi là “lai” giữa xe ba gác và xích lô của VN) và xe ôm. Giá tuk tuk trung bình là từ 1 đến 1.5 USD cho một lần chuyên chở (4 người/xe).

3. Thót tim khi đi qua phà. Nhìn hoạt động của phà nói chung bình thường, tuy nhiên, tất cả hành khách trong xe tải, xe bus, người ngồi kín trên…nóc xe,…không một ai ra khỏi xe khi xuống phà. Điều này khiến nhiều du khách thấp thỏm.

Chúng tôi khuyên bạn yêu cầu tài xế mở cửa xe và bước xuống phà, ra đầu phà ngóng gió vừa không nguy hiểm, vừa…mát rượi. Các xe khách nhét kín người như ta thường thấy tại Ấn Độ mà không hề thấy cảnh sát giao thông…thắc mắc.

4. Nhện, châu chấu, dế, bọ cạp…được bày bán khá nhiều tại chợ và bến xe (những món này đã được rang sẵn). Người dân ở đây rất khoái những món này và quảng cáo rằng chúng rất bổ dưỡng (mặc dù nhìn món nhện rất khiếp). Bạn có thể thử, nhưng không ai đảm bảo vấn đề vệ sinh cho bạn. Còn nữa, chuối nướng cũng được bán nhiều, ổi cũng vậy nhưng rất “nhỏ xíu anh thương” và…xanh lè!

5. Các hoạt động buôn bán và vui chơi bên dòng sông Tonlesap (khu phía trước Hoàng cung) thực sự “hoành tráng” và tấp nập hơn cả khu trung tâm Sài Gòn (không nói quá)! Có một số nơi thậm chí hiện lên một khu chợ, nơi chỉ để bán hàng quán với những chiếc…võng được mắc sát khít nhau cho khách ngồi (hay nằm đều được!).

6. Các tạp chí về du lịch được phát miễn phí tại các khách sạn và khu giải trí, mua sắm. Đặc biệt tạp chí định kỳ về Angkor của thành phố Sieam Reap. Bạn cứ xin càng nhiều loại càng tốt, đừng từ chối vì tất cả đều miễn phí, hình ảnh đẹp và hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Bạn sẽ tìm thấy mọi thông tin về những địa danh du lịch, thậm chí còn thuê được cả biệt thự với giá chỉ khoảng 500 USD/tháng. Ở Việt Nam bạn không thể tìm thấy tạp chí du lịch (mang tính quốc gia hay thành phố) nào miễn phí cho du khách (ngoại trừ các tờ bướm và catalog đơn giản)! Với dân số khoảng 13 triệu dân, thì lượng ấn phẩm tạp chí mà các hiệu sách bày bán cũng khiến bạn kinh ngạc!

7. Đúng là 9g tối thì ở Campuchia hầu như mọi hoạt động đều giảm nhịp đến tối đa. Các quán cà phê đóng cửa vào lúc 9g30 hoặc 10g tối là bình thường (chỉ một vài khu nhất định các quán cà phê dạng “đèn mờ” hay cho người xem đá bóng như ở ta là mở cửa đến 12g). Có các quán Bar chỉ dành riêng cho người bản xứ (có những du khách được rủ cũng..không dám vào chỉ vì “thần hồn nát thần tính! Không biết tại sao?!).

8. Các nhãn hàng hoá của Việt Nam tương đối nhiều. Bên đường chúng tôi thấy cả cửa hàng của NiNo Maxx, quán cà phê Trung Nguyên…Hàng hoá Việt có nhiều trong các cửa hiệu (như Mít sấy, khô bò, khô mực, khoai sấy, rượu nếp…). Thậm chí bạn thường xuyên mua được bánh mì kẹp thịt do chính người Việt bán. Các xe nước mía giống hệt tại VN.

9. Viện bảo tàng tuyệt đẹp. Không kể đến các khu đền Angkor nổi tiếng, các bảo tàng tại Campuchia được đầu tư hết sức công phu và đẹp mắt. Đồ vật được trưng bày rất thoáng và ấn tượng. Giá trung bình 3 USD/người.

10. Phần đông người dân biết diễn viên Angelina Jolie (vừa được công nhận là công dân Campuchia). Thậm chí quán cà phê The Red Piano còn có món cocktail mang tên Tom Raider với ảnh chụp của Angelina Jolie với chú thích - món mà Angelina Jolie là người đầu tiên thưởng thức tại đây. Đó cũng là lý do vì sao cường độ xuất hiện của Angelina Jolie trên tờ Cambodia Post rất thường xuyên.

11. Tiền tệ hơi bị “năng động”. Bạn có thể vừa trả tiền Ria, vừa trả bằng USD, và có thể sử dụng tiền Bath (Thái) mà không bị từ chối. Nếu giá phần ăn là 5.000 R, bạn có thể trả chủ quán 1 USD và 1.000 R.

12. Rất nhiều tình nguyện viên của các tổ chức phi chính phủ đang sống tại Campuchia. Nhiều người Nhật sống trong các khách sạn giá rẻ để hoạt động từ thiện. Bạn có thể gặp nhiều tình nguyện viên phương Tây phát các tờ rơi giới thiệu chương trình hòa nhạc hay triển lãm gây quỹ từ thiện, hay có thể xem hoà nhạc miễn phí.

13. Giờ làm việc hành chính của Campuchia là 7 tiếng/ngày (từ 7g30 đến 11g30 và từ 2g chiều đến 5g chiều)!

14. Nhà cửa vùng gần biên giới Việt-Campuchia không hề có số nhà (huống chi là xe máy!). Suốt các chặng đường thuộc vùng nông thôn nhà cửa rất giống nhau (kiểu nhà tựa nhà dân tộc thiểu số tại VN, thậm chí hầu như có một ao sen nhỏ trước nhà).

15. Chùa chiền rất nhiều và đẹp, kiến trúc giống nhau. Bên cạnh một ngôi chùa nguy nga là những dãy nhà lụp xụp là chuyện bình thường.

16. Dép đi trong khách sạn (may mắn hơn khi bạn đến Thái - khách sạn không hề có dép cho bạn đi) toàn bộ bị “tỉa, gọt” ngay đầu dép (không hiểu do tập tục hay do yêu cầu tránh “phạm húy” với đền Angkor). Nhà cửa tại Siem Reap cũng không được xây cao quá chiều cao đền Angkor.

17. Trên các xe Bus, bạn sẽ được xem tấu hài Campuchia (tuy không hiểu tiếng nhưng thấy rất giống kiểu tấu hài Sài Gòn!)

(Theo: Tuổi Trẻ Online)

DU LỊCH CAMBODIA CHỈ VỚI 120 USD

Từ TP HCM, thử làm một hành trình đến Campuchia bằng đường bộ. Nếu tự đi du lịch và có chút ít vốn tiếng Anh, bạn có thể lên đường tham quan đất nước chùa Tháp trong 5 ngày mà chỉ mất 120 USD.

Mua vé xe buýt tại hãng du lịch Festival trên đường Bùi Viện, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 với giá vé 5 USD/người, trải qua 7 tiếng đồng hồ là đến biên giới Campuchia. Mỗi ngày đều có xe buýt (35 chỗ ngồi) khởi hành vào lúc 8h30. Tại cửa khẩu, xe buýt dừng lại 2 tiếng để du khách làm thủ tục visa (phí visa khoảng 26 USD), sau đó sẽ chuyển xe để vào trung tâm Phnom Penh.

Tại thủ đô Phnom Penh, khách sạn, nhà trọ, quán ăn mọc lên như nấm. Người Campuchia có thể nói thông thạo cả tiếng Pháp, Anh và tiếng Quan Thoại, có lẽ do mỗi ngày họ đều tiếp xúc với khách du lịch nước ngoài. Phòng trọ có nhiều giá, từ 4 USD đến 20 USD. Cò phòng trọ, khách sạn rất nhiều, họ có thể đưa cho bạn cả 20 phòng trọ để tha hồ lựa chọn.

Đến Phnom Penh, có những điểm tham quan chính không thể bỏ qua, đó là Cung điện Hoàng gia, Viện bảo tàng, nhà tù Toul Sleng và Cánh đồng chết… Hai ngày ở Phnom Penh là đủ để “nháy” một bộ sưu tập ảnh về con người và cuộc sống nơi đây. Nếu đi du lịch hai người, bạn có thể bắt chiếc “motordouble” (dạng xe ôm ở Việt Nam nhưng được phép chở đến hai người) để bác tài đưa đến các điểm tham quan hoặc đi vòng vòng quanh thành phố vào buổi chiều tối.

Đã đi Campuchia, chắc chắn không ai bỏ qua những câu chuyện huyền ảo về Angkor Wat ở Siem Reap… Từ Phnom Penh đến Siem Reap bạn có thể đi bằng xe buýt hoặc tàu cao tốc. Giá xe buýt rất rẻ, 4 USD/người nhưng phải mất 10-12 giờ mới đến được. Đường đi gồ ghề và rất nguy hiểm, có những đoạn bạn sẽ bị xóc lên đến trần xe, vì thế, chọn đi tàu cao tốc, giá 20 USD/người/lượt.

Sáu tiếng lênh đênh trên hồ Tonle Sap cuối cùng đến cảng. Tuy nhiên, từ cảng dừng đến trung tâm là một đoạn đường khá gian nan. Nếu bạn đã đặt chỗ trước một khách sạn ở Siem Reap thì ngay cảng dừng sẽ có thuyền của khách sạn đón bạn. Nếu không có, bạn phải chọn một thuyền để đi vào trung tâm (nhưng như thế nghĩa là bạn sẽ phải theo sự tiếp thị khách sạn của cò). Thêm 1 tiếng đồng hồ chạy lòng vòng trên kênh trước khi vào thành phố.

Trung tâm Siem Reap không quá đông đúc như Phnom Penh nhưng giá cả ở đây cao hơn Phnom Penh nhiều, vì mỗi ngày Siem Reap đón hàng nghìn khách nước ngoài. “Hãy cẩn thận với những đoạn đường vắng và những lời mời mọc của cò trên đường đi”, đó là lời cảnh báo của một du khách Thụy Sĩ, người khá rành với cuộc sống ở đây.

Thuê một chiếc motordouble để đi một vòng các ngôi đền trong vòng một ngày, giá khoảng 20 USD. Angkor Wat, Angkor Thom, đền Bayon, lên núi ngắm mặt trời lặn… đều là những điểm bạn cần đến. Mua một vé tham quan Angkor Wat trong vòng 1 ngày giá 20 USD, 2 ngày là 40 USD và giá sẽ tăng theo số ngày tham quan.

Theo Sài Gòn Giải Phóng, nếu đi theo tour bạn sẽ được hướng dẫn viên kể cho nghe những truyền thuyết hấp dẫn về nụ cười của các vũ nữ, về điệu múa Apsara hoặc câu chuyện về Preah Ket Mealea (con của thần Dớt)…

Còn nếu bạn đi du lịch một mình, đừng lo, chỉ cần mua một cuốn hướng dẫn tại các hiệu sách tại Phnom Penh, bạn cũng có khá đủ thông tin để hiểu về những truyền thuyết đó. Đi bộ rất nhiều từ đền này sang đền khác do đó bạn nên chuẩn bị tinh thần và lương khô…

(Theo Ngoisao)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts