Thursday, December 20, 2012

Nhiều doanh nghiệp lữ hành tố bị ‘ăn cắp’ thương hiệu

Việc lấy cắp tên doanh nghiệp dẫn đến sự nhầm lẫn cho khách hàng và làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng dịch vụ đang khiến nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch bức xúc.

Phát biểu tại Hội thảo vai trò của pháp luật trong việc bảo vệ thương hiệu du lịch Việt diễn ra ở TP HCM chiều 4/11, bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch TP HCM cho biết, lấy cắp thương hiệu đang là thực trạng báo động cho ngành du lịch Việt Nam. Từ vài trăm công ty du lịch ra đời vào năm 2004, đến nay thành phố có hàng chục nghìn doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực này.

Bên cạnh thuận lợi là tạo ra sự đa dạng trong sản phẩm thì nhiều công ty lại “ăn cắp một cách trắng trợn" thương hiệu của doanh nghiệp nổi tiếng dẫn đến sự nhầm lẫn cho du khách và gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. “Chúng tôi nhận được nhiều phản ánh của du khách về chất lượng dịch vụ yếu kém. Trong đó có nhiều người đi rồi mới biết công ty du lịch mình đi không phải là đơn vị lữ hành có uy tín mà do sự nhầm lẫn về tên tuổi”, bà Khánh phản ánh.


Đại diện của một công ty du lịch bày tỏ bức xúc khi bị nhiều đơn vị khác "ăn cắp" thương hiệu. Ảnh: H. D.

Đại diện của nhiều công ty lữ hành cũng bày tỏ bức xúc vì tên tuổi của họ bị nhiều đơn vị khác "nhái" lại. Bà Trần Thị Mộng Hồng, Tổng giám đốc Công ty du lịch Hành trình Việt cho biết, tên của công ty bà bị không dưới 10 đơn vị trên khắp cả nước lấy. Cho đến năm 2008, khi nhiều khách hàng phản ánh về việc chất lượng dịch vụ, công ty bà mới phát hiện sự việc.

"Thậm chí chúng tôi còn nhận được cả giấy yêu cầu trả nợ mà đối tác gửi cho những đơn vị này. Họ chỉ thay đổi một vài thông tin về chỉ dẫn địa lý hoặc loại hình doanh nghiệp và vẫn được các cơ quan chức năng ở các địa phương cấp phép. Nhưng khi chúng tôi đi khiếu kiện lên Sở Kế hoạch và Đầu tư thì chỉ nhận được trả lời là họ làm đúng luật", bà Hồng bức xúc nói.

Tương tự, đại diện của Công ty du lịch Hòa Bình (trụ sở tại TP HCM) cho biết, một số đơn vị lợi dụng sơ hở trong quy định của pháp luật, né bằng cách thay đổi tên miền để lấy lại tên của doanh nghiệp khác. Tên thương mại của doanh nghiệp bà đã bị chính người thân của một nhân viên đang làm việc tại đây "ăn cắp".

"Tên của công ty chúng tôi là Công ty cổ phần du lịch Hòa Bình Việt Nam, thì họ lại đi đăng ký tên Công ty cổ phần du lịch Hoà Bình TP HCM. Không chỉ sử dụng tên trùng mà họ còn lấy toàn bộ chương trình tour của chúng tôi để quảng cáo trên website của công ty mình. Họ còn mạo danh là chi nhánh của công ty chúng tôi khi khách hàng thắc mắc về sự thay đổi địa chỉ trụ sở", bà Hà phát biểu.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty du lịch dã ngoại Lửa Việt than thở khi công ty của ông cũng bị đánh cắp thương hiệu nhưng vẫn phải chấp nhận "sống chung với lũ", không thể đi kiện bởi những bất cập của pháp luật hiện nay. Trước tình trạng nhầm lẫn này, ông Mỹ cảnh báo du khách nên tìm hiểu rõ nguồn gốc của công ty mình lựa chọn để không bị lừa.

Theo ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam, do đặc thù của các công ty lữ hành là chỉ cần có tên tuổi là có thể bán được tour nên nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng để kinh doanh không lành mạnh. Thời gian tới, Hiệp hội sẽ kiến nghĩ với Tổng cục Du lịch để có biện pháp xử lý đối với những trường hợp vi phạm này.


Luật sư Nguyễn Văn Hậu tư vấn cho các doanh nghiệp trong việc tự bảo vệ thương hiệu của mình. Ảnh: H. D.

Phát biểu trong hội thảo, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội luật gia TP HCM cho biết, việc sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức cá nhân đã được đăng ký bảo hộ để đặt tên cho doanh nghiệp đều là trái quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, các doanh nghiệp có tên bị vi phạm có quyền đề nghị cơ quan đăng ký kinh doanh buộc những doanh nghiệp "ăn cắp" phải thay đổi tên trong thời gian luật định.

Tuy nhiên, luật sư Hậu cũng thừa nhận những bất cấp, thiếu sót trong quy định của pháp luật hiện nay là không đưa ra quy định cụ thể về việc xử lý đối với doanh nghiệp vi phạm khi họ nhất định không chịu thay đổi tên. Theo quy định, những vi phạm liên quan đến sở hữu trí tuệ hiện chỉ bị xử lý về hành chính mà chưa có quy định nào về việc rút giấy phép kinh doanh.

Theo ông Hậu, cần kiến nghị cơ quan chức năng bổ sung áp dụng biện pháp tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh trong xử lý vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp.

Hải Duyên

No comments:

Post a Comment

Popular Posts