Huyền sử truyền lại rằng, cá Anh Vũ có ở Việt Nam từ hai ngàn năm trước Công nguyên, tức là cách nay đã hơn bốn ngàn năm, được một người dân dâng lên Vua Hùng. Cho rằng đây là một loài “bảo ngư” được trời ban cho thiên hạ nên Vua Hùng ban tên Anh Vũ, phong là “Văn Lang đệ nhất ngư” và ra chiếu dụ yêu cầu dân chúng nếu bắt được loài cá này phải dâng triều đình. Loài cá này chỉ ăn rêu suối, nên đặc biệt thanh sạch.
Cá chỉ sống ở nơi nước xiết, nên thịt rất săn chắc lại có tính ôn, có thể chữa các bệnh nóng nhiệt, táo bón và bồi bổ thận, hoàn. Vì sống ở vùng nước xiết, nên cá có cái miệng cực khoẻ để bám vào vách đá, hàng giờ cạo rêu đá ra ăn nên miệng bành ra như mõm lợn. Theo những ngư dân lão luyện vùng Đất Tổ, cái “mõm lợn” ấy chính là bộ phận ngon nhất, hao tổn nhiều tâm sức, tiền bạc của người đời nhất.
Cá Anh Vũ được chế biến thành món chả cả nức tiếng gần xa
Cụ Lê Thị Tấm (98 tuổi) ở Dữu Lâu, Việt Trì, chia sẻ, ở vùng Đất Tổ còn lưu truyền cách nấu chốn cung đình xưa. Cá Anh Vũ ngon nhất vẫn là hấp. Cá rửa sạch rồi mổ và được ướp với gừng, muối và mắm, sau đó đặt lên trên một lớp lá gừng rồi hấp chín. Người ta thường ăn cá Anh Vũ với khế xanh, chuối xanh và bánh tráng mỏng cùng rau tía tô, dấp tanh, xương xông. Ngoài ra, cá Anh Vũ còn là nguyên liệu thượng thặng cho món chả cá đất kinh kỳ Thăng Long.
Do bị săn bắt có tính hủy diệt, cá Anh Vũ dần vắng bóng. Trung tâm Quốc gia Giống thuỷ sản nước ngọt miền Bắc (Phú Tảo, Gia Lộc, Hải Dương) đã được Nhà nước đầu tư thực hiện đề án “Bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn gen cá Anh Vũ”. Kết quả bước đầu, Đề án đã nghiên cứu sinh sản thành công và hoàn thiện quy trình nuôi thương phẩm cá Anh Vũ bằng thức ăn công nghiệp. Tuy nhiên, đây chỉ có ý nghĩa giúp một loài “bảo ngư” thoát nguy cơ tuyệt chủng.
Những người dân vùng Bạch Hạc mong mỏi, nếu những dòng sông lại trong xanh như quá khứ, con người biết tiết chế bàn tay khai thác của mình thì cá Anh Vũ sẽ lại trở về với vùng đất Ngã ba sông.
No comments:
Post a Comment