Theo ông Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Việt Nam nằm ở trung tâm Đông Nam Á, giao thông hàng hải thuận lợi, là điểm đến dễ tiếp cận trong hành trình của các hãng tàu,
Việt Nam có đường bờ biển dài 3260km, hơn 3.000 hòn đảo và nhiều vịnh biển đẹp nhất thế giới. Tuy nhiên, đến nay lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường biển rất thấp, năm 2013 chỉ có 193.300 lượt khách đến Việt Nam (chiếm 2,5%).
Theo ông Tuấn, nguyên nhân do hệ thống hạ tầng, đô thị biển liên quan đến du lịch biển đảo ở nước ta còn mang tính địa phương. Bờ biển dài nhưng bến chuyên dùng để đón khách du lịch quốc tế chỉ đếm trên đầu ngón tay, hạ tầng cũng nghèo nàn lại sử dụng chung với hàng hóa, container…
Khôi phục làng nghề truyền thống, miễn Visa
Các đại biểu dự hội nghị đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm thúc đầy phát triển du lịch nước nhà.
Đó là cần phải có quy hoạch rõ ràng, kết hợp giữa cảng hàng hóa và cảng du lịch nhằm đảm bảo môi trường an toàn cho du khách.
Nên khôi phục một số làng nghề truyền thống. Đầu tư xây dựng trung tâm mua sắm, giải trí có quy mô lớn tại trung tâm thành phố để kéo dài thời gian lưu trú của khách.
Có thể áp dụng chính sách miễn Visa cho khách du lịch đường biển. Điều chỉnh mức cảng phí phù hợp để cạnh tranh hợp lý với các nước khu vực, mở cửa tạo điều kiện cho các hãng tàu nước ngoài được chạy tuyến cố định dọc bờ biển Việt Nam.
Ngoài ra, phải giữ vệ sinh, bảo vệ môi trường sinh thái biển, đặc biệt tại các cảng và các điểm du lịch biển.
Riêng khu vực Đà Nẵng, nên phát triển du lịch biển như lặn biển, lướt sóng, cano… đưa vào các tour phục vụ cho khách du lịch tàu biển.
Để tăng lượng du khách đến Việt Nam, cũng cần nâng cao chất lượng các chương trình tham quan du lịch đồng quê. Nghiên cứu xây dựng thêm các sản phẩm du lịch mới, điểm tham quan du lịch mới gắn với nét văn hóa đặc trưng của từng vùng.
Cương quyết hạn chế tình trạng ăn xin, chèo kéo khách du lịch, đảm bảo an toàn cho du khách.
Phát triển du lịch Châu Á không thể thiếu Việt Nam
Ông Kevin Leong, Giám đốc Hiệp hội thuyền châu Á khẳng định: nghành du lịch Châu Á phát triển không thể thiếu tầm quan trọng của Việt Nam.
Muốn phát triển du lịch tàu biển, Việt Nam phải chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, cung cách phục vụ.
Việt Nam cần chú trọng nâng cao cơ sở vật chất để phát triển du lịch đường biển
Phải biết được sở thích của người châu Á: “Đây là yêu cầu vô cùng quan trọng, vì người châu Á thường đi theo gia đình và họ rất muốn có nhiều điểm vui chơi. Nên nghiên cứu sở thích đó để có những đầu tư hợp lý, không nên đầu tư dàn trải”.
Hội thảo có 19 tham luận trong nước và quốc tế tham gia. Đây là một cơ hội để quảng bá về tiềm năng các sản phẩm du lịch Việt Nam đối với quốc tế. Hội thảo sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày 17-4 với các hoạt động khảo sát cảng Chân Mây, Lăng Cô, khảo sát khu du lịch Laguna và sân golf 18 lỗ, khảo sát khu du lịch nước khoáng nóng Mỹ An.
No comments:
Post a Comment