Sunday, April 22, 2012

Độc đáo lễ cưới người Dao Nga Hoàng ở Yên Bái

Dao Nga Hoàng là một trong 13 dân tộc bản địa đã cư trú lâu đời tại tỉnh Yên Bái. Ngoài tên gọi như trên, đồng bào còn có các tên gọi khác như Dao quần chẹt hay Dao sơn đầu, các tên gọi này được gọi theo các đặc điểm của trang phục và trang trí của đồng bào.

Cũng như các dân tộc khác, người Dao Nga Hoàng có truyền thống văn hóa đặc sắc, phong phú, góp phần làm đa dạng nền văn hóa cổ truyền các dân tộc thiểu số Yên Bái, trong đó lễ cưới truyền thống là một điểm nhấn quan trọng trong tổng thể văn hóa đa sắc màu đó.

Người Dao Nga Hoàng có nhiều hình thức lễ cưới như: lễ cưới truyền thống, lễ cưới ở rể đời, lễ cưới gửi rể và lễ cưới kết hợp lễ cấp sắc.

Trong đó lễ cưới truyền thống là lễ cưới phổ biến nhất trong cộng đồng dân tộc Dao Nga Hoàng ở Yên Bái. Là mốc quan trọng của đời người, lễ cưới truyền thống của người Dao Nga Hoàng trải qua nhiều nghi thức đặc sắc mang đậm bản sắc riêng của dân tộc.

Để chuẩn bị cho lễ cưới chính thức là nghi lễ so tuổi. Ở đây, khi chuẩn bị cho lễ cưới, gia đình nhà trai sẽ sang nhà gái làm một lễ nhỏ để xin tuổi, sau đó họ sẽ nhờ thầy cúng xem tuổi giúp để so sánh của đôi bạn trẻ có hợp nhau không, lấy nhau có sống hạnh phúc không theo các quan niệm dân gian của đồng bào.

Thách cưới là một tập quán có từ lâu đời trong lễ cưới truyền thống người Dao Nga Hoàng. Ngày trước, với quan niệm trả công chăm lo dưỡng dục cô dâu cho gia đình nhà gái nên các gia đình thường muốn thách cưới thật cao, sao cho xứng với công sinh thành dưỡng dục nhưng món nợ thách cưới lại là gánh nặng mà nhà trai và đôi vợ chồng trẻ phải rất khó khăn cực nhọc để kéo cày trả nợ. Ngày nay, thách cưới chỉ còn là một tập quán đẹp, mang ý nghĩa nhân văn nên tiền thách cưới không còn cao nữa.

Trong lễ cưới của người Dao Nga Hoàng, không có lễ ăn hỏi mà tục bỏ ngõ được thay thế. Đây là một nghi thức quan trọng trước khi diễn ra lễ cưới chính thức. Đến ngày đã được định trước, nhà trai mang sang nhà gái một vuông vải chàm, bên trong là một đồng bạc trắng hoặc một chiếc vòng bạc để làm tin như một lời hứa chắc chắn về lễ cưới. Ông mờ, bà mờ là người tổ chức và hướng dẫn cô dâu chú rể các nghi thức và phong tục tập quán của lễ cưới. Ông mờ bà mờ của cả hai gia đình nhà trai và nhà gái phải là những người thông minh, hoạt bát, ứng khẩu nhanh nhẹn, người phải uống được nhiều rượu không say và là người hát giao duyên đối đáp thật giỏi trong lễ cưới.

Nét đặc sắc trong nghi thức đón dâu của đồng bào là nghỉ dọc đường. Các cụ già trong làng cũng không biết tập quán này có từ khi nào nhưng cho dù nhà trai chỉ cách nhà gái một quãng đường ngắn nhưng đoàn đón dâu vẫn phải nghỉ và ăn cơm, uống rượu dọc đường với những thức ăn do nhà trai đã chuẩn bị từ trước.
Tại nhà gái, lễ cúng cắt khẩu hết sức quan trọng được diễn ra vào lúc nửa đêm. Đây là nghi thức thầy cúng thông báo với tổ tiên và các thần thánh, thổ công thổ địa biết cô dâu từ nay đã đi lấy chồng, không còn thuộc “con ma” của nhà nữa. Các nghi thức của lễ cưới được diễn ra tại nhà gái trong suốt cả đêm với nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa, hát dân ca đối đáp giữa hai gia đình.

Cũng giống như các dân tộc khác, lễ cúng tổ tiên nhập gia tiên là một nghi thức không thể thiếu trong lễ cưới truyền thống của người Dao Nga Hoàng. Khi cô dâu được đưa về tới nhà trai, nghi thức cúng tổ tiên được thực hiện ngay tại bàn thờ tổ tiên của gia đình. Nhưng đặc sắc và độc đáo hơn các tộc người khác đó là trong lễ cưới truyền thống của người Dao Nga Hoàng có nghi lễ kết tơ hồng được thực hiện ngay sau lễ cúng tổ tiên.

Đây là nghi thức chính của lễ cưới. Người Dao Nga Hoàng phải tổ chức xong nghi thức này, họ quan niệm sẽ được sống hạnh phúc với nhau trọn đời, không có gì có thể chia tách đôi vợ chồng, bởi các phép kết tơ hồng đã gắn kết đôi bạn trẻ. Một đôi chiếu được trải ra trước bàn thờ tổ tiên, đôi vợ chồng trẻ quỳ trước bàn thờ, lần lượt các nghi thức của lễ kết tơ hồng được thầy cúng thực hiện nghi thức xua đuổi những điều xấu xa ra xa đôi vợ chồng trẻ, tiếp theo là nghi thức làm bùa yêu để hai người được bên nhau mãi mãi theo quen niệm từ lâu đời của người Dao Nga Hoàng.

Ngay sau bùa yêu làm bùa yểm, thầy cúng yểm cho đôi vợ chồng trẻ luôn luôn khỏe mạnh và được bảo vệ bởi các thần thánh. Kết thúc nghi thức này là lễ lạy của cô dâu và chú rể. Chú rể phải lạy đủ 12 lần trước bàn thờ tổ tiên cùng với cô dâu theo tập quán truyền thống.

Lễ cưới truyền thống của người Dao Nga Hoàng ở Yên Bái được trải qua nhiều giai đoạn, nhiều nghi thức khác nhau. Trong lễ cưới, nhiều hình thức hát giao duyên, đối đáp được hai ông, bà mờ của hai gia đình thể hiện. Lễ cưới truyền thống của người Dao Nga Hoàng ở Yên Bái như lời mời gọi, gợi mở những khám phá mới lạ, những điều thú vị, độc đáo và đặc sắc của một ngành Dao độc đáo ở Yên Bái.

Du kịch, GO! - Theo Cổng thông tin Điện tử Yên Bái, internet

Link to full article

No comments:

Post a Comment

Popular Posts