Thursday, April 5, 2012

Đêm tình nhân của người Ma Coong

Giống như phiên "chợ tình" Khau Vai của người Mông ở Hà Giang hay "chợ tình" Sa Pa (Lào Cai), người Ma Coong ở bản Cà Roòng, xã Thượng Trạch (Bố Trạch - Quảng Bình) cũng có đêm tình nhân của riêng mình. Đêm ấy chỉ diễn ra một lần trong lễ hội đập trống.

< Trong đêm lễ hội Đập trống của đồng bào Ma Coong.

Rạo rực đêm hội

Người Ma Coong ở Thượng Trạch có 287 hộ (1.557 khẩu), cư trú tại 18 bản làng dọc biên giới Việt - Lào. Lễ hội đập trống của họ được tổ chức tại bản Cà Roòng, mảnh đất linh thiêng của người Ma Coong.

Khi chúng tôi đến nơi, trên khoảng sân rộng giữa bản, già làng Đinh Năng cùng các thanh niên khoẻ mạnh đang bịt trống hội.

Theo phong tục, người Ma Coong lấy chi cúp, một loại cây thuốc rỗng ruột, sống hàng chục năm giữa đại ngàn làm tang trống. Tang trống được giữ từ năm này qua năm khác, chỉ khi nào hỏng mới thay. Mặt trống mỗi năm thay một lần vào mùa lễ hội. Trong năm, khi làm thịt trâu, già làng sẽ chọn tấm da đẹp nhất treo lên gác bếp để xông khói. Cuối năm thì đem ra làm mặt trống chuẩn bị cho lễ hội.

< Trống của người Ma Coong có hìn dạng khá đặc biệt.

Người Ma Coong có cách bịt trống khá đặc biệt. Họ dùng những sợi mây rừng chuốt kỹ, đem luộc trong nồi đồng. Sau đó, dưới sự hướng dẫn của già làng, những bàn tay chắc khoẻ của cánh thanh niên luồn từng sợi mây vào tấm da trâu, riết căng, ép chặt vào hai mặt trống.

Những sợi dây mây buộc giăng ngang dọc trên tang trống lại được căng một lần nữa bằng những nêm tre già đóng chặt, kéo cho mặt trống có hình thù như quả cầu gai.

Chập choạng tối, sương quấn lấy những ngọn cây, mái nhà sàn, từ các lối mòn dẫn vào bản bắt đầu rậm rịch bước chân của các chàng trai, cô gái, của đàn ông, đàn bà các bản trong xã đổ về bản Cà Roòng tham gia lễ hội. Có nhiều người ở các bản xa như A Ky, Cồn Roày, Cu Tồn và cả đồng bào Ma Coong ở nước bạn Lào cũng tới.

Các tộc người ở gần đó như A Rem, Trì, Ca Rai cũng hào hứng đến chung vui. Anh Y Heng, người Ma Coong ở nước bạn Lào cho biết: "Nhà miềng ở rất xa nên miềng phải tranh thủ đi từ khi con gà chưa thức giấc, chừ con trăng vừa lên mới tới đó. Năm nào miềng cũng đi cả".

Người Ma Coong, A Rem, Vân Kiều và cả du khách phương xa quây tròn trên một vùng đất rộng giữa bản, trống được treo lên, lửa cũng cháy rực. Lễ hội bắt đầu …

Già bản Đinh Năng bày lễ vật và 7 mâm cỗ cúng Giàng. Mỗi mâm cỗ gồm một con gà trống, một con cá, một líp xôi, đọt măng rừng, đọt mây, cây đoác. Trước 7 mâm là 7 hũ rượu thiêng, loại rượu ủ bằng những lá cây rừng đặc biệt của người Ma Coong với nếp ngon được cất cả năm mới đưa ra. Cá cúng Giàng được bắt từ khúc suối cấm, đây là đoạn ngăn của con suối A Ky.

Vào khoảng tháng 5 hằng năm là dân bản Cà Roòng lại ngăn con suối A Ky từ bản Rào Bụt đến bản Nồm và phân công người trông coi khúc suối không cho ai vào đó bắt cá, nếu vi phạm sẽ bị làng phạt vạ rất nặng. Trước khi lễ hội diễn ra sẽ có lễ "thả lưới" tại khúc suối cấm này. Đích thân già làng thả lưới, những con cá bắt được dùng cúng lễ và sau đó chia cho cả bản cùng ăn. Sau khi lễ hội đập trống kết thúc, khúc suối mới được đánh bắt cá tự do.

Già làng Đinh Năng trong lễ phục váy đỏ pha những đường xanh chạy dọc tượng trưng cho sức sống như cây rừng đại ngàn giữa Trường Sơn của người Ma Coong, để tóc xoã, bắt đầu cúng. Ông đốt những ngọn nến bằng sáp ong cháy, hắt ra thứ ánh sáng lung linh huyền ảo. Già cất tiếng: "Khấn mời Giàng, mời con ma mót về ăn nắm xôi, uống cần rượu, coi lễ hội để phù hộ cho người Ma Coong được mùa, được cái ăn, cái mặc, sinh sôi như cây trên rừng, dẻo dai như suối trước bản. Mời về, mời về".

Sau vài lượt khấn, già làng đến bên ché rượu thiêng uống hơi rượu đầu tiên, tiếp đó lần lượt đến các người già và chức sắc được mời uống. Sau đó, khách và chủ nhà đều được uống thoả thích.

Những cô gái xinh nhất bản trong những bộ váy đặc trưng của người Ma Coong bắt đầu nhảy múa quanh chiếc trống. Năm chàng trai khoẻ mạnh nhất bản bắt đầu dùng những chiếc dùi trống làm bằng thân cây mây đánh dồn vào hai mặt trống.
Cạnh đó là hai người già cầm trịch đánh chiêng. Cứ 5 nhịp chiêng thì thỉnh 3 nhịp trống với tốc độ nhanh. Sau 3 lượt thỉnh trống thì phần lễ hội đập trống bắt đầu.

Dân bản ùa vào, ai cũng háo hức đánh hết sức vào trống. Quyện vào tiếng trống là tiếng chiêng ngân vang làm lay động cả núi rừng. Tiếng trống tùng, tùng như men say, nghe thật lạ, nó hẳn được gợi hứng từ tiếng gọi ngày đêm trầm hùng mà thắm thiết của gió, những ngọn gió dữ dội, hùng tráng mà vô cùng thâm trầm, thổi ngày đêm, bốn mùa, vĩnh cửu.

Những tiếng hô lớn đồng thanh: "Roa lữ Giàng ơi! Roa lữ Giàng ơi!" (Vui quá trời ơi) cất lên hoà chung nhịp trống. Đống lửa giữa sân thỉnh thoảng được cho thêm củi, rừng rực bốc cao.

Người đánh trống, người nhảy múa, rồi đến bên hũ rượu sà xuống vít cần hút, đến say cả đất trời. Cứ vậy, ché rượu cần nghiêng, điệu nhảy nghiêng, cả núi rừng cũng nghiêng, chỉ còn tiếng trống vang mãi. Từ chập tối, trai gái ở 18 bản người Ma Coong và các bản làng khác đã tìm nhau, thì thầm trò chuyện, tặng quà làm quen: Mời nhau một ngụm rượu, trái ổi, trao nhau chiếc kẹp tóc, khăn tay. Giá trị món quà không quan trọng, chỉ là cái cớ cho trai gái tìm đến nhau mà thôi. Khi rượu đã ngà say, chuyện đã nồng, con tim đã đập chung nhịp, các cặp trai gái chen nhau vào đập trống và cùng nôn nao ngóng chờ phút giây vỡ trống.

Đêm tình nhân

Ánh trăng rừng đã quá đỉnh đầu, tiếng trống, tiếng chiêng càng vang. Mọi người cố sức đánh cho trống vỡ trước khi trời sáng vì người Ma Coong cho rằng, nếu trống không vỡ ngay trong đêm này thì năm đó mùa màng thất bát, người làng đói khổ và sẽ gặp phải tai hoạ. Người này mệt có người khác vào thay, tiếng chiêng, tiếng trống không bao giờ dứt lặng.

Mặt trống rung lên bần bật rồi bất ngờ một tiếng bụp. Mặt trống vỡ. Tiếng hát hò, nhảy múa bỗng lặng đi, sau đó là tiếng hét rền vang núi rừng. Và rồi từng đôi, từng đôi cầm tay, níu áo nhau đến bên bờ suối A Ky tình tự. Chỉ trong chốc lát, khu vực lễ hội thưa vắng hẳn. Với nam thanh nữ tú chưa lập gia đình thì đây là đêm bắt đầu của sự hẹn hò, đính ước.

Đây cũng là đêm duy nhất trai gái, kể cả những người đàn ông, đàn bà đã có gia đình cũng được Giàng cho phép gắn kết nhau, được bỏ nhà một đêm với người mà họ thích. Đêm gắn kết không có dị nghị, không có sự ghen tuông. Giống như một bài dân ca được hát trong đêm: "Để trăng mọc trong đêm, để anh được yêu em. Để không gần mặt xa lòng…".

Không có ghen tuông, chỉ có hoa thơm và trăng đại ngàn. Đêm tình nhân đã có từ xa xưa tới nay vẫn được người Ma Coong nâng niu, gìn giữ. Sau đêm đó, ai về nhà nấy, mọi chuyện tan biến vào con nước chảy róc rách của dòng A Ky. Họ lại cùng vợ cùng chồng lên nương, xuống suối tiếp tục đưa cái ngô hạt lúa về nhà. Còn trong năm, nếu có ai ngoại tình thì bị làng phạt vạ rất nặng, bị đuổi ra khỏi bản.

Đêm nay còn là lúc để những người dân bản uống với nhau ngụm rượu, giải toả những khúc mắc, va chạm trong cuộc sống thường ngày chưa có cơ hội giãi bày, làm cho tình người thêm bền chặt.

Bên đống lửa bập bùng, bên ché rượu nghiêng cứ vơi lại đầy, càng khuya, trời càng lạnh, lửa càng đượm. Trong màn sương mù đặc quánh, già làng Đinh Năng trầm tư như để ngược lại dòng thời gian: "Không biết từ đời nào người Ma Coong đã có lễ hội đập trống, chỉ biết người già nói lại, ngày xưa, vùng đất của người Ma Coong đang ở bỗng xuất hiện một con khỉ ác màu vàng, đêm đêm nó vào nương rẫy của dân bản ăn ngô, phá lúa. Khi có khỉ ác xuất hiện, người Ma Coong liên tục mất mùa, bệnh tật hoành hành. Mọi người sống rất khổ sở.

Rồi trong giấc ngủ của già làng, Giàng đã hiện lên bày cách làm trống cho người Ma Coong trừ con khỉ ác. Khi con khỉ tìm đến bản, mọi người đem chiếc trống chuẩn bị sẵn cùng những chiếc chiêng đồng loạt đánh lên, khỉ ác nghe tiếng chiêng, tiếng trống thì sợ hãi mà chạy mất không bao giờ dám quay trở lại. Từ đó, người Ma Coong, người A Rem làm ăn được mùa, con cháu không còn đau ốm nữa.

Thế là hàng năm, vào ngày 16 tháng Giêng người Ma Coong lại tổ chức lễ hội đập trống. Vào đêm hội đập trống, người chủ lễ không chỉ cúng xin Giàng cho người Ma Coong no đủ, được mùa mà còn xin Giàng cho người Ma Coong được một đêm tình yêu".

Anh Đinh Xon trầm ngâm: "24 mùa đập trống trước, miềng tìm được Y Run. Khi Y Run mất, mùa đập trống năm 1993 mình lại tìm được Y Hen. Mùa đập trống năm ngoái thôi, Đinh Vai ở bản đã tìm được Y My ở bản Chăm Pu, nay đã có một đứa con rồi…Mùa lễ hội năm nay không biết bao nhiêu người trẻ lại tìm được nhau mà nên vợ nên chồng. Miềng vui cái bụng lắm".

Tạm rời xa vùng đất Cà Roòng, rời xa đêm lễ hội quên đất trời, tôi ngỡ như mình vừa chiêm bao. Câu ca của người Ma Coong cứ hiện về: "Xin Giàng làm cho mặt trời lên trong ngày, mặt trăng mọc trong đêm để anh được yêu em…". Câu ca cùng những cánh rừng già thâm u, những con dốc thăm thẳm, những cây cổ thụ ngàn đời thỉnh thoảng lại hiện về, để rồi lòng say chếnh choáng.

Du lịch, GO! - Theo báo Kinh tế Nông thôn cùng nhiều nguồn ảnh khác

Link to full article

No comments:

Post a Comment

Popular Posts