Tiếc một tý vì nếu trên đỉnh đèo nắng đẹp sẽ có khối ảnh hay hay vì từ nơi này sẽ nhìn bao quát về phía Bắc là cảnh đồi núi chập chùng với mây trắng bay là đà, xa xa là đầm Lập An, làng chài Lăng Cô đẹp như tranh vẽ. Phía Nam, sóng biển vỗ quanh theo triền núi, thấp thoáng những chiếc thuyền đánh cá của ngư dân rẽ sóng chạy ra khơi... Tuy nhiên "Thiên hạ đệ nhất hùng quan" trong sương mù đúng ra mới thật sự chính xác với từ "Hải Vân".
< Cua tử thần 2 trên đèo Hải Vân.
Rời đỉnh đèo, bọn mình chạy xe về phía Bắc hướng về thị trấn Lăng Cô trong sương mù rất dày đặc. Qua đỉnh rồi thì bây giờ đèo là những đường dốc dài ngoằn ngoèo.
Khi lên đèo, những xe bồn nén ga xì khói nhưng bây giờ thả dốc vẫn tà tà chạy rất cẩn thận - hẳn là tài xế cũng không muốn có thêm một... cái miễu thờ mới nào.
< Ngay góc cua này lúc từ Lăng Cô trở về: một chiếc xe bồn lấy hết góc của vòng cua trong khi bọn mình vào cua quẹo trong chiều ngược lại! Nó mà ủi thêm tý nữa thôi thì bọn mình sẽ bẹp lép như con tép rồi vì không còn lối rẽ vào đường tránh nạn kề bên. Khỉ gió cha tài xế!
< Hết bò thì đến dê thả rông nhởn nhơ: địa phương quản lý đèo Hải Vân cần quan tâm để tránh gây nguy hiểm cho các xe gắn máy đi cung đường này.
< Xe bồn đang gồng sức leo dốc, mệt bở hơi tai!
< Bãi Chuối nằm trong khúc vịnh biển này. Nếu bạn đi xe lửa Bắc Nam sẽ thấy rất rõ, tuy nhiên để xuống được bãi là cả một vấn đề - bạn xem hồi sau.
< Những vòng cua vặn vẹo cuối cùng, sắp hết đèo.
Có lần vào tháng 5/2011: báo Tuổi Trẻ đánh động với dư luận với một thông tin về tấm bia cổ nằm trên hòn Rùa - ngay trên hầm đường sắt số 9 cạnh quốc lộ 1A (thuộc địa phận thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) vừa bị đập phá. Theo các cụ trưởng lão làng An Cư Đông, tấm bia là nơi đánh dấu sự kiện hoàn thành tuyến đường sắt Bắc - Nam giai đoạn đầu thế kỷ 20...
< Tượng Rùa đội bia sứt đầu mẻ gọng bậy giờ đặt ở đây, không còn bia.
Phóng viên đã tiếp cận hiện trường, trong phần nền móng đang xây dựng rộng chừng 100m2, một con rùa đá lớn bằng đá thanh dài gần 2m, rộng chừng 1,5m, cạnh đó là đầu rùa nằm lăn lóc. Hai bên phần móng đang xây là hai bãi mảnh vụn của bia đá, với dấu đập vỡ còn rất mới. Trên rất nhiều mảnh vỡ một mặt có khắc chữ Hán, mặt còn lại là chữ Pháp, cùng nhiều hoa văn chạm khắc xung quanh (xem tin).
< Tượng rùa đội bia bị phá nát - Ảnh từ báo Tuoi Trẻ.
Không ai nhận trách nhiệm cả, chỉ xót cho một di tích cổ vĩnh viễn mất đi do sự vô tâm của con người. Và do phần bia bị phá nát nên bây giờ người ta đem tượng rùa đá (không còn bia) đặt trong ngôi miếu nhỏ đã xây dựng tại đây với tượng "rùa mới" thật trơ trẻn phía ngoài.
< Góc cua cuối cùng của đèo Hải Vân, phía Lăng Cô.
Qua một góc cua rất gắt cuối cùng, nơi có miễu ông Rùa thì doi cát đặc biệt của biển Lăng Cô xuất hiện. Hế mùa biển động: doi cát này sẽ hướng dài thêm ra biển hàng trăm mét, to rộng hơn nhiều.
< Và đây là biển Lăng Cô: một góc chụp mà ai cũng biết. Mùa này doi cát nhỏ do biển động.
Lăng Cô là một thị trấn của huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Cách Huế khoảng 70 km về phía nam, nằm dưới chân đèo Hải Vân. Bãi biển Lăng Cô có bãi cát đẹp, nơi có nhiều khu nghỉ mát, nằm gần cảng Chân Mây và khu kinh tế Chân Mây. Nơi có Quốc lộ 1 A và Đường sắt Bắc - Nam chạy qua. Tổng diện tích thị trấn là 10.569 ha.
< Phía trên là cầu dẫn vào hầm đường bộ Hải Vân.
Thống kê dân số thị trấn năm 2010 chỉ trên 11 ngàn người với mật độ dân số: 104 (người/km²) nhưng hiện tại có lẽ tăng nhiều do mình thấy nhà san sát trong các khu dân cư.
< Còn bọn mình thì theo đường qua cầu Lăng Cô. Cầu vắt ngang cửa đầm Lập An.
Ngày xưa, Lăng Cô là nơi nghỉ mát của vua Khải Định và gia đình, dinh ông tại đây mang tên Hành cung Tịnh viên. Hiếm nơi nào hội tụ được nhiều ưu thế của tạo hóa như nơi đây: có đầm phá, núi non, biển đảo, gò đồi... lại cách chân đèo Hải Vân chỉ 1km.
< Vào chợ Lộc Hải ăn cơm trưa.
Người ta cho rằng địa danh "Lăng Cô" do người Pháp đọc trại tên từ "An Cư", vốn là làng chài ở phía nam đầm. Cũng có người cho rằng lúc trước ở Lăng Cô có nhiều đàn cò, nên được gọi là Làng Cò, sau đó được dân địa phương đọc trại lại là Lăng Cô.
< Chất lượng ok với hải sản tươi ngon, giá 20k/dĩa. Bọn này gọi thêm lon bia Sàigòn (10k) và dĩa mực 6 con (30k) - vừa nhơi vừa nhậu, phê lòi!
Với người du lịch thì Lăng Cô là một địa danh có danh lam thắng cảnh thiên nhiên đẹp của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Bãi biển Lăng Cô từ lâu đã nổi tiếng là một bãi biển có các điều kiện tự nhiên và phong cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam với bãi cát vàng trắng dài tới hơn 10 km với một doi cát vàng lớn hình tam giác được tạo thành do hải lưu cùng dòng nước từ cửa đầm Lập An.
< Lại lấy xe tìm đường ra biển. Bà xã ghé hàng quà vặt mua mớ bánh trang rồi chia cho bọn trẻ - để rồi nghe chút giọng xứ Quảng thật êm tai...
Tại đây, nước biển trong xanh bao la tuyệt đẹp bên cạnh là những cánh rừng nhiệt đới rộng lớn trên những dãy núi nhấp nhô. Nằm giữa núi rừng và biển là đầm Lập An rộng 800 ha đầy huyền bí, đầy tiềm năng to lớn về phát triển nhiều loại hình dịch vụ du lịch: nghỉ mát, lặn biển, tìm hiểu hệ động - thực vật hoang dã, nuôi trồng thủy sản...
< Nghe chỉ cứ chạy thẳng là ra biển, vậy là mình chạy thẳng.
Hồi tháng 10 năm 2011: cả 93 hộ nuôi cá lồng tại đầm Lập An ở thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, không dám tin vào mắt mình khi chỉ trong hơn 1 ngày, toàn bộ số cá nuôi trong lồng có giá trị cao gồn cá mú đen, cá mú đỏ, cá hồng... đang gần đến kỳ thu hoạch của họ đã chết sạch. Tổng thiệt hại của ngư dân phải tính bằng tiền chục tỉ. Đây là hiện tượng bất thường lần đầu xảy ra trong mấy mươi năm nuôi cá của địa phương.
< Biển Lăng Cô đây. phía Hải Vân vẫn phủ đầy sương mù.
Theo người dân 2 thôn, cá chết là do nước thải của khu dân cư đã xả thẳng ra đầm với mật độ chất độc hại lớn còn theo chính quyền thì nguyên nhân làm chết cá có thể trong trận mưa to kéo dài mấy ngày vừa qua do ảnh hưởng bão số 4 đã làm ngọt hóa nguồn nước lợ ở đầm nuôi cá - cuốn theo các cặn bã tích tụ cả mùa khô ở trong đường cống dẫn thải từ khu dân sinh thị trấn ra đầm. Một điều lạ là loài cá vảo đang nuôi với số lượng ít thì sống bình thường. Vậy thì chính xác vì sao cá chết, chắc chỉ có Trời biết thôi.
< Lúc xuống, mình gởi xe bên cạnh nhà này. Anh chàng áo vàng trêu bà xã: nền do nhà tráng xi măng, cô gởi xe, phí là 5k. Bà xã trả 2k, dùng dằng một hồi thì hóa ra cậu ta chỉ giỡn chơi.
Vậy nên lúc lên ghé lại, cậu còn nói "cô chú sau này có ghé ở đây cứ nghỉ ngơi miễn phí, tắm nước ngọt cũng vậy - cháu không tính tiền đâu. Còn muốn ăn uống gì thì đặt trước, chắc chắn ngon và rẻ".
Ăn trưa ngay chợ Lộc Hải xong, bọn mình len lỏi giữa các hẻm nhỏ chạy thẳng ra bãi biển. Biển Lăng Cô đẹp và thơ mộng, hoàn toàn không có người khách du lịch nào ngoài vài dân chài địa phương.
Từ bãi biển nhìn lên thấy mũi đá, nơi có vòng cua cuối cùng của đèo Hải Vân. Nhìn thấy cửa đầm Lộc An với dòng nước thật êm đềm. Ngắm thỏa thích biển xong, cuối cùng thì từ giã bãi biển, rời Lăng Cô trở về đỉnh Hải Vân.
< Trở lên đỉnh Hải Vân: trong ảnh là cái miếu mới đặt tượng rùa đội bia.
< Đèo vẫn phủ đầy sương mù dù bây giờ đã là 12h40!
Với bọn mình thì ngoài việc lên tham quan đỉnh Hải Vân xem mây ngắm cảnh thì cái quan trọng hơn nữa là bọn mình muốn khám phá những cung đường mòn rẽ nhánh khởi nguồn từ "Cua tử thần" đầu tiên (tính từ hướng Đà Nẵng đi Huế).
< Điều vô cùng kỳ lạ là vượt qua đỉnh Hải Vân chỉ vài mươi thước thì nắng chang chang!
Đây là con đường nhỏ với nhiều nhánh dẫn ra bãi Chuối (Bãi nhỏ rất đẹp ở phía Bắc chỏm mũi Hải Vân), dẫn ra mũi đỉnh đá phía biển Đông...
< Dừng xe ngoáy lại nhìn thì đỉnh đèo Hải Vân vẫn chìm trong sương mù thế này đây! Chỉ cách vài chục thước thôi, thật lạ kỳ và lý thú!
Cạnh đó còn rất nhiều nhánh rẽ xuống những bãi vô cùng hoang sơ tại phía Nam, những nơi mà bạn không thể tìm thấy chút gì thông tin trên mạng ngoại trừ vài hình ảnh người ta chụp được bãi Chuối được zoom gần từ trên những toa xe lửa Bắc Nam chạy ngang qua.
< Và đây là lối mòn, ngay cua tử thần thứ nhất (tính từ hướng Đà Nẵng đi Lăng Cô). Mình rẽ trái vào ngay.
Tại sao lại có con đường này? Năm 2009, địa phương lên kế hoạch tạo cung đường du lịch kéo dài từ còng cua tử thần của đèo Hải Vân ra tận mũi ngoài cùng. Ngoài con đường chính cũng sẽ có những nhánh rẽ vòng vo xuống các bãi biển hoang vu đã kể trên, mục đích mở rộng điểm tham quan những cảnh tuyệt đẹp dành cho khách du lịch.
< Lối mòn lởm chởm đầy đá tảng, đá cục! Nơi nào có phay đất cũng lồi lõm lưng tưng nên pà xã xuống xe đi bộ. Nói thật là một mình, một xe chạy còn khó khăn huống gì chở 2.
< Vào một đoạn vài cây số - xung quanh hoàn toàn không một bóng người. Chỉ có tiếng chim hót, tiếng gió xào xạt - đôi khi có tiếng xe gầm rú của những chiếc xe leo dốc tít dưới kia.
Vứt xe giữa đường, mình men theo một lối nhỏ lên đồi.
< Nắng gay gắt nhưng giữa đám rừng thưa vẫn mát rượi. Mất hàng chục phút sau, bà xã mới vào đến nơi.
Con đường được thi công ngay sau đó vài tháng, đến tháng 4-2010: trong khi điều khiển xe múc để làm công trình đường du lịch xuống bãi Chuối (phần đất thuộc địa phận Lăng Cô - Phú Lộc - Huế) thì do trượt đá nên chiếc xe rớt xuống vực sâu hơn 450m, hai công nhân điều khiển xe múc gồm lái chính và lái phụ đều thiệt mạng.
< Trên này nhìn bao quát cả một vùng rộng lớn: đẹp vô cùng!
Do vực sâu, đất đá phủ lớp dày nên việc tìm kiếm thi thể nạn nhân rất khó khăn. Lần ấy: thầu công trình phải nhờ ông Nguyễn Bừa (người rất gắn bó với đèo từ bao năm qua: ông chăm sóc các miếu thờ trên đây, vá và sửa xe cho khách trên đèo...) buộc dây vào gốc cây rồi cùng nhiều người khác bám xuống vực để tìm kiếm người xấu số.
< Đây chính là nơi tập kết những mảnh xác nát bươm của hai anh công nhân lái xe múc. Vẫn còn những chân nhang đốt cho hai người xấu số (có lẽ do người nhà hoặc ông Bừa vào đốt cúng cho người đã khuất).
Cả đoàn đào bới mãi đến khuya mới xong, hai thi thể nát bươm rơi vương vãi khắp nơi được ông nhặt đủ, gói gém cẩn thận rồi đem lên để người nhà đến nhận đem về quê mai táng.
< Đường đến những nơi muốn đến còn rất xa, xa lắm. Nhưng đường khó khăn thế này, nhất là phải để bà xã đi bộ theo thì không đành - chắc không thể nào nào tiếp tục được rồi. Chưa tính là trong kia sẽ còn nhiều dốc đất đá mà độ nghiêng không hề ít.
< Bạn biết núi nào đây không? Đây là đỉnh Sơn Trà, đang phủ mây.
Có lẽ từ tai nạn khủng khiếp này nên con đường du lịch bị bỏ dỡ nữa chừng mà không biết bao giờ mới được thi công tiếp tục. Do vậy, đường vào còn ngổn ngang đất đá, rất khó khăn khi di chuyển kể cả bằng xe gắn máy nên chạy được một đoạn dăm cây số, mình chịu thua!
< Tiếc đứt từng đoạn ruột nhưng phải đành trở ra, lúc này đã 2h.
Thắng cảnh đẹp vẫn còn đó, vẫn chờ con người khai phá, chờ những bạn trẻ có đủ sức khỏe và lòng nhiệt huyết để đặt bước chân của nhà "phượt" vào tận nơi.
< Chạy xuống từ từ, lưng tưng dù né đá tưng bừng - nhìn phía đỉnh Hải Vân vẫn bao phủ trong mây mù trong khi chổ này lại nắng rất gắt.
Tính thời gian vẫn còn sớm nên bọn mình vẫn theo chương trình định sẳn: về Đà Nẵng, leo Sơn Trà theo hướng đường Yết Kiêu. Lối lên núi này ra sao? đỡ hơn hay khiếp hơn đường Hoàng Sa phía Nam núi? Hồi sau bạn sẽ rõ.
Xem bản đồ đường mòn trên đỉnh Hải Vân (Phóng + lớn lên để thấy lối mòn):
- Lối hướng lên phía Bắc: đi ra suối, đi bãi Chuối.
- Hướng phía Đông: ra mũi Hải Vân.
- Các lối phía Nam: ra các bãi biển nhỏ, bãi đá phía Nam.
Còn tiếp
Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13...
Link to full article
Tin tức mới nhất về các danh lam thắng cảnh, những địa điểm du lịch trong nước và quốc tế , những tour du lịch hấp dẫn.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Popular Posts
-
(Tiếp theo) G iữa núi rừng bao la, bất chợt một khoảng không gian rộng lớn mở ra trước mắt bọn mình. Qua một vòng cua cong cong là những căn...
-
(Tiếp theo) G iữa núi rừng bao la, bất chợt một khoảng không gian rộng lớn mở ra trước mắt bọn mình. Qua một vòng cua cong cong là những căn...
-
D u lịch Cửa Lò trong cái nắng trải dài bãi biển chúng ta có dịp đến Nghệ An để thưởng thức rất nhiều món hải sản hấp dẫn, mang đặc trưng củ...
-
Tóm tắt: (ICTPress) - Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân giới thiệu Đại đức Thích Ngộ Thành là công...
-
Một thoáng Sapa Photo Phương Bùi Bạn sẽ trải qua đoạn đường đèo quanh co uốn lượn trước khi đến với Sapa Nhà thờ Sapa, khu vực tập trung chí...
-
T heo quốc lộ 28 khoảng 45km về hướng Đông Nam đi Lâm Đồng, thuộc xã Đăk P’lao và xã Đăk Som, huyện Đăk Glong, cách thị xã Gia Nghĩa khoảng ...
-
Tọa lạc ngay lối vào làng resort Mũi Né, resort The Cliff 4 sao với kiến trúc rất hiện đại, tinh tế là một trong những lựa chọn lý tưởng của...
-
Kỳ công làm nương trên ruộng đá ở Hà Giang Photo Mộng Hồng
No comments:
Post a Comment