Thursday, March 15, 2012

P 8 - Ngàn năm “tiên sa” và truyền thuyết đỉnh Bàn Cờ

(Tiếp theo)
Rời đèo Hải Vân, lòng thỏa thuê nhưng vẫn đầy nuối tiếc. Cứ nhủ trong lòng là phải chi mình biết "phượt" sớm hơn năm hay mười năm trước, lúc sức khỏe còn 'chắc cú' hơn ngày nay thì mấy cái lối mòn siêu hoang vu này chắc chắn không dễ bỏ qua được.

Nhưng tiếc cũng không làm gì, cứ dành cho những bạn trẻ khác 'khám' rồi mình vào 'phá' vậy, hi hi. Còn bây giờ thì về Đà Nẵng, lại lên núi Sơn Trà nhưng từ ngõ Yết Kiêu - tức là lối lên ngay cảng Tiên Sa rộng lớn.

Mình nói tý về cảng này: Cảng biển Tiên Sa nằm ngay trong vịnh Đà Nẵng và được cụm núi Sơn Trà che chắn. Cỡ tàu lớn nhất mà cảng có thể tiếp nhận được là 30.000DWT với luồng vào dài 8 km, có độ sâu -12m bao gồm 2 khu vực là cảng biển Tiên Sa và cảng sông Hàn.

< Sáng đi âm u, hình chộp không đẹp. Bây giờ thì nắng gắt nhưng không còn hào hứng săn ảnh như hồi đầu ngày. Hồi lên thì trả số, kéo ga - hồi về thả trớn phon phon gần suốt chặng đường: ẻm Win sướng đời!

< Ảnh chụp trên đường Nguyễn Văn Cừ - phường Hòa Hiệp Bắc. Đây cũng chính là QL1 trước kia, bây giờ mới chỉ 2h30 nên đường vắng hoe.

Đây là một trong những cảng quan trọng nhất khu vực Trung Bộ Việt Nam với lượng bốc dỡ hàng hóa lớn, cũng là đầu mối giao thông quan trọng của hành lang kinh tế Đông - Tây.

< Lên cầu Thuận Phước. Buổi tối, tại nơi này bạn sẽ nhìn rất rõ con đường 'Lên trời' của núi Sơn Trà.

< Vượt qua luôn cây cầu Mân Quang kế tiếp, mình rẽ trái vào Yết Kiêu: Đây là con đường chạy thẳng vào cảng Tiên Sa.

< Chạy đường Yết Kiêu chưng 1km sẽ thấy lối rẽ bên phải: đây là đường lên núi Sơn Trà ở phía Tây.

Nhưng cảng chỉ để biết còn cái đẹp phải là núi. Những thông tin trong sách vở hay trên mạng đánh giá rằng: Trên ngàn dặm núi non hùng vĩ trên đất nước Việt Nam thì Sơn Trà chỉ là một cụm núi rất nhỏ. Tuy nhiên, do nằm ở vị trí đắc địa nên từ xưa bán đảo này đã được nhiều sách sử nhắc đến.

Trong “Phủ Biên Tạp Lục” Lê Quý Đôn có chép về núi này: “Phía Đông liền biển, có một quả núi gọi là núi Sơn Trà, tục gọi là Hòn Nghê, tương truyền trên núi có ngọc, đêm đêm ngọc chiếu sáng xuống biển.

Người dân ở đây kể rằng, tiên thường hay giáng xuống để tắm, chơi đùa nên cũng gọi là núi Tiên Sa”.

< Gặp nhánh rẽ chữ Y: hướng phải là khu biết thự Suối Đá - trái là đường lên đỉnh radar. Dĩ nhiên là mình quẹo trái.

< Nơi này còn thấp, nhìn xuống chỉ thấy cảng hải quân với một vài chiếc tàu chiến  đang neo đậu, còn cảng Tiên Sa khuất sau sườn núi.

< Tiếp tục đường 'lên trời với dốc dần gắt hơn. Tuy nhiên: do đường 'chính quy' nên độ nghiêng không quá lớn, khi nào đường thành lối nhỏ 1 luồng với nền xi măng thì mới khiếp, hi hi...

< Cao hơn nữa, nhìn qua kẽ lá chỉ thấy những hotel đồ sộ trên bãi biển Phạm Văn Đồng chỉ là những chấm li ti.

Một ghi chép khác của một người Pháp tên là Sallet hồi đầu thế kỷ XX thì cho rằng: “Loài nai thường xuất hiện, có cả heo rừng và khỉ. Trong các giống thú rừng, người ta đặc biệt chú ý đến giống thú nhỏ con, lông màu xám, giống hầu Mãi Lai, có nhiều ở núi này. Những người Châu Âu trong thành phố gọi chúng với cái tên khỉ Tiên Chà và người ta còn gặp loài khỉ này trên mũi núi cao nhô ra biển. Phong cảnh ở nơi này rất đẹp”.

< Qua rất nhiều đường cua và dốc, chợt nhiên mình thấy hai quả banh gôn khổng lồ xuất hiện! Đây chính là đài radar - Mắt thần Đông Dương.
Khi nào tầm kiểm soát của mắt thần tăng gấp đôi, gấp 3 tầm kiểm soát hiện tại thì dân mới 'an tâm' giữ biển được.

< Phía phải đường là vách núi, phía trái là biển nhưng "biển mây".

Không biết, xưa kia nhà sử học Lê Quý Đôn đã nghe ai kể về truyền thuyết tiên trên núi Sơn Trà, để đến bây giờ câu chuyện ấy vẫn được nhiều người kể lại. Chuyện rằng: Có hai vị tiên ông ngồi đánh cờ trên đỉnh núi Sơn Trà nhưng trong nhiều ngày vẫn bất phân thắng bại. Rồi một hôm, những tiên nữ bay xuống bãi biển để tắm, trong lúc lơ là nhìn tiên nữ vui đùa, một tiên ông đã bị đối thủ đánh bại...

< Gặp ngã 3, bọn mình quẹo phải đi lên tiếp thì nghe tiếng la to: 'Ô, ô, dừng lại'. Do mình vội cua lại và thắng gấp nên xe dừng lại với độ nghiêng đường rất cao: rồi ngã kềnh!
Nhìn lại, thấy hai anh chàng... sửa đường đang ngồi núp nắng dưới đuôi xe tải gần đó. Thiệt khỉ gió: cứ tưởng giọng lính biên phòng. May mà không sao, cũng chả sứt mẻ miếng nào - cười trừ vậy.

< Chổ này có một nhà vọng thiên có mái hình lục giác: ngắm cảnh và chụp hình rất đã. Kề cận đó là con khỉ đá cùng những hòn đá chồng -tảng nào tảng nấy chắc nặng hàng tấn. Nhân tạo chồng lên chứ hổng phải thiên tạo, nhìn cũng hay hay.

< Phì phào điếu thuốc, ngắm trời mây non nước: chợt thấy mình cao hơn cả mây...

... Bực mình, tiên ông hất văng bàn cờ xuống biển, rồi bay về trời. Bãi biển mà tiên nữ tắm ấy bây giờ trở thành bãi biển đẹp nhất Việt Nam với cái Tiên Sa, còn bàn cờ tiên bây giờ vẫn còn nằm dưới biển để minh chứng một truyền thuyết thực ảo về Sơn Trà.

Và theo truyền thuyết này, địa phương đã đặt một bức tượng Đế Thích ngồi một mình bên tảng đá có hình bàn cờ - đỉnh Bàn Cờ có tên từ đó.

Hàng năm có hàng ngàn lượt khách đã tới đây, rất nhiều người đã để lại chữ ký (híc, chộp ảnh thì ok nhưng cái màn khắc ghi nguệch ngoạc này không ổn) cũng như tận hưởng cảm giác ngồi đánh cờ với Đế Thích giữa không gian bao la để tận hưởng cảm giác bồng lai tiên cảnh.

< Một trong 2 anh chàng công nhân sửa đường ấy, tay con cầm cái kềm... leo lên 3 tảng đá chồng, có lẽ định 'nhổ răng' cho đá.

< Đoạn đường mà hồi nãy mình chạy lên: ngoằn ngoèo như bao khúc ngoắc ngoéo trước đó.

< Rẽ phải lên đài radar không được thì rẽ trái: lối này dốc gắt, đường nhỏ này hướng về phía Đông.

Đường lên đỉnh Bàn Cờ cũng hấp dẫn như những truyền thuyết về nó. Vì đường nhỏ quanh co uốn lượn, nhiều đoạn dốc dựng đứng như thách nhức những tay lái cừ khôi.

Đôi lúc men theo bờ biển, lúc xuyên qua những tán lá rừng rậm rạp, khi lại vắt vẻo băng qua đỉnh núi trong làn sương mỏng, khiến du khách ngỡ lạc vào chốn tiên bồng. Cảnh vật vẫn còn hoang sơ, cây cối phủ um tùm, càng lên cao thì sương càng dày và lạnh nên muốn đánh được một ván cờ với Đế Thích cũng không hề đơn giản.

< Dốc gắt đến mức bạn cũng chả biết trên đầu dốc có cái gì vì mình có thấy cái chi đâu.

< Bất chợt một nhóm người hiện ra, chắn hết cả đường, cướp à?
Không phải, nhóm bạn trẻ mà bọn mình đã gặp ở khúc dưới kia, chắc cũng đi săn ảnh và cũng dừng từng chặng.

< Đến đoạn này thì đường nhỏ hơn nữa, hai bên cây xanh um. Đang trèo dốc bất chợt một chiếc xe tải nhỏ xuất hiện chiều ngườc lại, thân xe choáng gần hết cả đường. Win mình nép vào một bên nhường ông cố kia chạy qua.
Xe chở công nhân xây dựng.

< Lại đến tiếp một ngã 3, mình lật bản đồ xem thì rẽ phải là lên đỉnh Bàn Cờ, rẽ trái là chạy dọc theo đường ven núi vể cảng Tiên Sa - Cả 2 ngã đều có độ nghiêng rất cao: phải thì dốc đứng, trái như đường xuống âm ty!

< Đây là dốc trái: thắng xe bạn phải ăn chắc cả trước và sau nhé, không thì trả lại số 1 và bò vậy.

< Mình chọn dốc phải vì không muốn gặp nàng Tiên Sa, chỉ muốn uýnh cờ với tiên ông!

< Rồi thì cũng đến đỉnh Bàn Cờ. Bỏ xe ven đường ở một chốn bằng phẳng, bọn mình leo vài mươi bậc thang đá lên đỉnh.

< Nơi này nhìn bao quát cả một vùng rộng lớn... nhưng chỉ thấy mây lòa xòa phía dưới.
.
Gọi là núi Sơn Trà nhưng thật ra nơi đây gồm một cụm núi gồm 3 núi mà mình đã có nhắc đến:
Ngọn phía đông nam trông như hình con nghê chồm ra biển, nên gọi là hòn Nghê. Ngọn phía tây hình dạng như cái mỏ con diều hâu, nên nên gọi là ngọn Mỏ Diều. Và ngọn phía bắc vươn về phía ngọn Ngự Hải bên kia cửa biển dài như cổ ngựa, nên gọi là ngọn Cổ Ngựa - đỉnh cao nhất là 696m.


< Các đỉnh kề cận có đài phát sóng, ăn ten truyền hình...



< Không biết nói sao, chỉ thấy cảnh đẹp là mê hoặc cả lòng người.
.
Sơn Trà cũng có trạm radar trên đỉnh cao 621m. Nơi này thuộc đoàn H90, sư đoàn 375 với sứ mệnh canh gác bầu trời toàn vùng biển Đông, phát hiện và ứng báo kịp thời với những hành động xâm phạm không phận, vi phạm lãnh thổ đặc quyền biển.
< Từ đây nhìn thấy hai cái radar của Mắt thần Đông dương bên chóp núi phía kia.
.
Trước năm 75, nơi đây được mệnh danh là “Mắt thần Đông Dương” với bán kính quan sát của hệ thống lên đến 300km. Hiện tại thì sau nhiều lần được tu sửa và nâng cấp, trạm radar vẫn được sử dụng rất tốt, hoàn thành nhiệm vụ canh giữ đất trời tổ quốc. Tuy nhiên do đây là khu vực quân sự nên khách du lịch không thể vào được mà chỉ có thể ngắm nhìn từ dưới thấp hơn vài mươi mét.


< Và dĩ nhiên mình không thể bỏ qua cơ hội 'làm một ván' cờ tướng với tiên ông. Ngày xưa cụ lơ là nhìn các tiên nữ... tắm nên thua - ngày nay chắc cụ thương hậu bối nên cháu buộc phải chiếu bí cụ. Xin cụ tiên thông cảm không hất văng con xuống kia, đa tạ...

Còn tiếp

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13...

Link to full article

No comments:

Post a Comment

Popular Posts