Dulichgo: Mãi bàn chuyện phượt trong nước, lần này mình "phá lệ" nói chuyện phượt ở các xứ láng giềng do đọc được một bài hay hay, bạn xem nhé:
- Từ TQ, tác giả Nguyễn Đức Quỳnh Dung cùng chiếc xe đạp và hành trang cá nhân, lều bạt, một mình xuyên qua nước Lào, xuôi nam về Vientiane - từ đó vượt sông Mê Kông sang Thái Lan mấy ngày rồi vòng trở về Lào, đến Pakse. Hành trình thiên lý qua xứ sở Triệu Voi giúp tác giả nhận biết, "ngộ" ra nhiều điều thú vị và chia sẻ với bạn đọc. Chúng tôi xin trích giới thiệu một hồi ức nhỏ của tác giả tại miền đất Lào nắng gió
Chia tay mọi người ở nhà nghỉ Thanh Tuyền, tôi đạp xe đến ngã ba. Tại đây nếu rẽ phải theo quốc lộ 13 đi về hướng Pakse; còn rẽ trái thì sẽ đi quốc lộ 12 và sẽ đến hang Tượng Phật Đồng Đen. Suy nghĩ 5 phút, tôi quyết định đi quốc lộ 12. Quyết định này đưa tôi đến bản Thẳm, nơi tôi bị một cú "sét"...
Cột cây số bên đường cho thấy từ đó đến biên giới Việt Nam (cửa khẩu Chợ Lò) khoảng 145 cây số. Tôi đạp xe dọc theo đường lộ, ghé vào một bản mua chuối và sắn, khá rẻ, mỗi thứ một ngàn kip. Tôi thấy một bảng chỉ đường có cả hình vẽ các tượng Phật nhưng lại có tên là Nong Pa Fa, trong khi anh Dũng bảo rằng tên hang là Thẳm Phả cơ mà. Ngoài ra bảng chỉ đường ấy nằm ở cây số 4 và chạy thêm 8,5 cây số nữa là đến, trong khi anh Dũng bảo nó ở cây số 7 và phải đi khoảng 20 cây số nữa mới đến nơi.
Biết là chưa đến hang Thẳm Phả, nơi có Tượng Phật Đồng Đen, tôi vẫn thấy hơi tò mò, muốn chạy vào xem sao nhưng thấy đường đất đỏ mù mịt nên… ngán. Quốc lộ 12 tráng nhựa nên hấp dẫn hơn. Vậy là tôi cứ đi, thỉnh thoảng lại gặp mấy cái bảng chỉ đường vào vài cái hang khác nhưng mãi chả thấy Thẳm Phả ở đâu cả!
Quốc lộ 12 cảnh đẹp hơn hẳn quốc lộ 13 do có núi non sông suối, cảnh đẹp như tranh. Tôi đi thật chậm để ngắm phong cảnh thiên nhiên mà suốt mấy trăm cây số trên quốc lộ 13 chả thể nào thấy được. Dọc đường quốc lộ 12 có rất nhiều hang, trung bình cứ mỗi một cây số là có bảng chỉ đường vào một cái hang nào đó.
Chạy mãi đến cây số 15, thấy đường vào một cái hang, tôi ghé xuống suối rửa mặt và hỏi người bán vé. Vé vào cửa 3 ngàn kip. Nếu tôi muốn ngủ lại trong đó, phải nộp 70 ngàn kip. Tôi nói tôi có lều rồi thì họ xuống giá 50 rồi 25 ngàn kip, cuối cùng họ hạ giá xuống còn 50 ngàn đồng tiền Việt. Chắc hai thanh niên này muốn "níu" tôi ngủ tại đó nên họ xuống giá liên tục. Tôi hỏi hang Thẳm Phả. Họ bảo chính xác là Thẳm Pả Fa và tôi đã đi lố, phải quay lại 12 cây số. Lúc ấy đã 5 giờ chiều.
Tôi vẫn quay lại bởi vì nghĩ mình có thể cắm trại đâu đó trên đường (hơn là phải quay về Thakhet, nơi có nhiều người nghiện, tôi bị “hù dọa” riết nên cũng sợ) Tôi ghé vào một nơi có vài cái lều cạnh bờ sông, hỏi họ ngủ trong một cái lều được hay không. Các bạn có hình dung là đó chỉ là một căn lều mái lá, có trải một cái chiếu thôi mà họ đòi tôi "50 ngàn kip, chắc giá, 40 ngàn cũng không được". Tôi cám ơn và đẩy xe đi thì họ tự xuống giá 30 ngàn. Vớ vẩn!!!
Tôi đạp xe khi trời bắt đầu tối dần, núi trở nên đen thẳm thì đến cây số 6. Giữa cây số 6 và cây số 5 có một cái cầu, ngay chân cầu là một căn nhà gỗ, lúc trưa tôi đi ngang qua thì nó khóa cửa; bây giờ mở cửa, một người đàn ông đang ngồi thổi lửa. Tôi thấy có người dân, có con suối nơi tôi có thể tắm rửa và sau lưng căn nhà gỗ là nơi có thể cắm trại nên dừng lại, đẩy xe xuống bãi cát sông rồi đi lên căn nhà.
Hình như chỉ có một mình anh ta ở trong căn nhà này thôi. Tôi tiến đến chào "Saibadee". Anh ta ngước lên nhìn tôi, mỉm cười, một nụ cười ấm áp trên khuôn mặt chữ điền, được ánh lửa tỏa sáng. Tôi thấy yên tâm với người có nụ cười ấy nên hỏi anh ta rằng tôi có thể cắm trại ngủ ở trên bãi cát không.
Anh ta nói “Dai” (được). Nói ngay mà không cần suy nghĩ nhiều như ở những nơi khác khi tôi hỏi dân bản. Hơi ngạc nhiên nên tôi hỏi lại lần nữa và anh ta cũng lại mỉm cười nhìn tôi và nói “Dai”. Lúc ấy, anh toát ra cái phong thái bề trên như người thầy giáo hay người bố biết tỏng hết mọi ý nghĩ trong đầu một đứa trẻ đang xin phép được làm điều gì đó. Tôi ghét cảm giác này quá, nhưng mà hoàn cảnh lúc ấy của tôi là thế!
Tôi nghĩ, chắc anh chàng có nụ cười đẹp này là ngư dân bởi nơi đây gần sông và cạnh anh ta có cái giỏ bắt cá. Được phép ngủ gần nhà người dân khi trời tối thì tôi thấy mừng rồi. Tôi lúi húi cắm trại. Một thanh niên đi xe máy vào, thấy tôi nên hỏi anh ta gì đó, xong thì dựng xe và đến bảo tôi vào nhà sàn gần đó ngủ. Chỉ vài trăm mét, tôi đi theo xem thử, xui quá có người chiếm cứ rồi. Anh ta lại bảo tôi vào bản Thẳm mà ngủ. Tôi ngại đạp xe nên nói tôi muốn ngủ ở gần sông.
Khi tôi vừa làm xong lều và đang có ý định đến gặp "anh cười đẹp" để xin nước uống thì lại một người đàn ông khác từ bản chạy xe ra bảo tôi đến căn nhà gỗ kia ăn cơm. Tôi bảo tôi muốn xin nước uống. Anh ta bảo có.
Tôi đi theo anh ta lên nhà gỗ. "Anh cười đẹp" bảo chỉ có nước nấu thôi, rồi anh ta lấy nồi nước vừa nấu xong rót vào ca của anh ta và ca của tôi. Họ bảo đó là nước lá ổi, uống cho ấm bụng. "Anh cười đẹp" hỏi tôi người Trung Quốc hay người Anh. Tôi nói người Việt Nam.
Sau đó họ bàn bạc xem tôi sẽ ăn món gì. Tôi thấy người dân bản nói gì đó, anh ta bảo không có. Họ có cá lòng tong và "anh cười đẹp" hỏi tôi ăn cá đó được không. Tôi nói được. Họ bàn bạc nhau và anh ta lúi húi nấu cơm. Tôi bảo muốn đi tắm. Anh ta chỉ xuống khúc sông trước nhà và bảo tôi tắm ở đó. Tôi lắc đầu và chỉ khúc sông trước lều của mình.
Tôi quay về soạn đồ xong thì có vài người dân đến soi cá; vậy là tôi không tắm được bởi thứ nhất tôi không muốn nhiều người biết tôi đang ở đó; thứ hai là tôi chả lẽ đứng tắm trước mặt họ; vả lại tôi tắm gây tiếng động, cá chạy hết, chắc họ chửi tôi. Vậy là tôi cứ ngồi im trên bờ.
Người đàn ông trong bản từ nhà gỗ xuống bảo tôi vào ăn cơm. "Anh cười đẹp" loay hoay trong phòng ngủ một hồi để lôi cái chiếu từ tấm nệm giường ra. Anh ta thật tế nhị. Tôi biết bình thường họ chỉ đặt cái mâm lên sàn gỗ và ngồi ăn chứ không trải chiếu thế này. Sau đó anh đưa cho tôi một rổ cơm và một tô canh, còn anh ta và người kia ăn chung cơm và canh. Tôi thật cảm kích bởi vì tôi vẫn không thể húp chung canh với người khác.
Do được ăn riêng tô nên tôi ăn rất ngon và chén sạch cả tô canh trong khi bọn họ hai người lại ăn không hết. À quên, tôi mang nửa ổ bánh mì mua ở Thakhet ra mời họ. Họ để lên dĩa và cắt thành nhiều khúc. Bánh mì rất ngon nên tôi nhường họ ăn (lúc sáng tôi đã ăn nửa ổ rồi còn gì).
Họ cũng bảo rằng bánh mì rất ngon. Tôi nói bánh mì theo kiểu Việt Nam. "Anh cười đẹp" bảo rằng món ăn Việt Nam thì lúc nào cũng ngon cả. Hai người họ biết nói tiếng Việt một ít. Anh cười đẹp bảo tôi rằng người Việt ăn cơm gạo tẻ nên đẹp, người Lào ăn cơm gạo nếp nên không đẹp. Tôi bảo tôi vẫn thấy người Lào đẹp lắm. Anh ta muốn khen tôi đẹp nên nói thế đấy.
Tôi hỏi hai người rằng ngủ ở đấy có bị "cắt cổ" không (tôi bắt chước người Lào đưa tay lên cổ cưa qua cưa lại), "anh cười đẹp" bảo anh ta là công an.
Lúc ấy có thêm vài người đến và họ hỏi chuyện tôi. Tôi chạy về lều mang sách Việt - Lào ra. "Anh cười đẹp" (đến lúc chia tay tôi mới hỏi tên, anh ta tên là Sầm Ly) bảo 43 tuổi rồi, chưa có vợ con. Hơi lạ nhỉ bởi vì người Lào 15 tuổi đã có gia đình rồi. Sau đó họ ngồi kể chuyện họ đi tỉnh Xiengkuane với nhau bằng tiếng Lào. Dĩ nhiên là tôi không hiểu rồi.
Tôi ngồi ngắm họ. Anh Sầm Ly quả là đẹp. Không phải đẹp như tài tử điện ảnh mà là cái đẹp của sự lương thiện. Tôi mê nụ cười của anh ta là vì nó toát ra sự lương thiện và chân thật, theo đúng kiểu của một người Lào điển hình. Thời buổi này mà có một anh công an như thế thì quả là hơi bị hiếm nên tôi thấy cảm động khi được gặp một người như thế. Do đó đối với tôi anh Sầm Ly quả là rất đẹp!
Tôi xin phép về lều ngủ trước. Lát sau, nghe tiếng vài người nói chuyện lao xao và họ đi về phía lều của tôi. Không muốn nói chuyện với họ, tôi nói vọng ra: “Non leo” (Ngủ rồi). Bọn họ cười và tôi nghe tiếng anh chàng Sầm Ly lặp lại: “Non leo”. Sợ bọn họ bắt tôi dọn lều để vào nhà ngủ, tôi lấy áo đắp lên mặt và ra dáng như muốn ngủ thật. Lúc đó tôi chỉ khóa cửa chống muỗi vì còn muốn ngắm cảnh trước khi ngủ nên từ bên ngoài nhìn vào vẫn thấy. Cuối cùng họ cũng bỏ đi.
Hôm ấy trời gió kinh khủng. May là tôi có ba cái ba lô dằn ở ba góc nếu không chắc bị thổi bay tuốt lên trời luôn rồi. Trời chưa sáng, tôi nghe tiếng anh Sầm Ly ho khúng khắng và mở cửa. Tôi “nướng” đến khi trời sáng thì dậy chui vào bụi giải quyết nhu cầu. Cũng may mắn bởi vì sau đó người dân kéo đến ... xem tôi. Tôi tắm dưới suối xong phải ra dấu cho họ đi nơi khác để tôi chui vào lều thay đồ thì họ mới bỏ đi.
Anh Sầm Ly gọi tôi vào ăn cơm. Tôi ngồi cạnh anh ta cùng hai người đồng nghiệp. Thêm một người nữa đến, anh ta ra dấu bảo tôi ngồi xích lại gần anh ta cho người kia ngồi. Hôm nay anh Sầm Ly mặc quân phục công an nên trông càng đẹp. Dân Lào quả là có một đặc điểm rất lạ. Họ ăn ít và ngủ ít. Không hiểu sao họ vẫn có thể sống được. Mọi người ăn xong và lần lượt đứng lên đi hết. Còn lại có mình tôi và anh Sầm Ly.
Tôi ăn nhiều nên ở lại là đúng rồi. Không hiểu sao anh chàng có nụ cười đẹp vẫn ngồi ăn mãi mà chưa chịu đứng lên thế nhỉ? Anh ta cứ luôn miệng bảo tôi rằng đi xe đạp nhọc lắm nên ăn "im im" một chút (“im” tiếng Lào nghĩa là no). Tôi ngạc nhiên vì thấy anh ta ngồi ăn mãi, chả giống một người Lào tí nào. Tôi cũng ngồi ăn mãi để xem anh ta ăn đến khi nào no.
Có lẽ chúng tôi sẽ ngồi ăn mãi nếu không có một anh chàng bước vào và dụ chở tôi vào bản Thẳm chơi. Bây giờ tôi hiểu vì sao anh Sầm Ly 43 tuổi mà vẫn chưa có vợ. Đơn giản là anh ta không biết “tán gái”. Tôi thích anh ta bởi anh ta có nụ cười lương thiện và tôi cảm thấy anh ta cũng thích tôi nữa. Vậy mà anh ta, ngay cả nhìn tôi cũng không dám nữa; mặc dù cái nhìn của anh ta cũng đẹp như nụ cười của anh vậy.
Anh chàng kia thì đòi chở tôi đi chơi còn anh ta thì bảo anh ta ở nhà làm việc dù hôm đó là Chủ nhật. Tối hôm trước người đàn ông ở bản Thẳm biết hôm sau tôi muốn đến hang Tượng Phật Đồng Đen nên hỏi anh Sầm Ly có đi không (chắc muốn bảo anh ta chở tôi đi), anh ta nói là bận làm việc. Hèn chi không có vợ là phải.
Anh ta đúng là một người đàn ông theo khuôn mẫu cũ, nam nữ thọ thọ bất thân. Tuy nhiên tôi cảm thấy mình được quý trọng, bởi anh ta tôn trọng tôi, không tìm cách chạm vào tôi, không sàm sỡ với tôi như những người khác; dù thế tôi vẫn cảm nhận là anh ta quý tôi lắm. Cái anh chàng kia ngồi nhìn hai đứa tôi ngồi cạnh nhau ăn cơm và ra dấu hỏi gì đó, tôi nghe tiếng Lào dĩ nhiên là không hiểu rồi. Anh Sầm Ly ngồi im không trả lời. Anh ta lấy tay ra dấu hỏi tôi và anh Sầm Ly là một cặp à. Tôi ngạc nhiên bởi vì anh ta mới gặp tôi lần đầu, tự nhiên hỏi thế, tiếng Việt gọi là vô duyên ấy. Tôi bất ngờ và nhìn qua anh chàng có nụ cười đẹp. Anh ta ngồi im chả nói gì cả.
Lúc từ bản Thẳm ra, tôi thu dọn đồ đạc và lấy ra một món đồ sẽ tặng anh Sầm Ly. Tôi lấy cái móc điện thoại có hình một điếu thuốc cháy dở và một cái đầu lâu ra. Tôi dựng xe trước nhà và cầm sẳn món đồ tặng.
Thấy tôi, thay vì ngồi nói chuyện, anh ta lại lúi húi đi… nấu cơm. Tôi ngồi nghỉ trên băng ghế ngoài hàng hiên lộng gió và lấy sổ tay ra ghi chép. Anh ta thỉnh thoảng hỏi tôi gì đó. Tôi không hiểu. Anh ta khen cái món đồ tôi đang cầm trên tay đẹp. Tôi đưa cho anh ta và ra dấu nói là tôi tặng anh ta.
Anh ta lui cui lôi sợi dây có tượng Phật đang đeo trên cổ ra (lúc ấy tôi mới thấy anh đeo sợi dây ấy chứ nếu anh ta không lấy ra thì làm sao biết được) sau đó anh ta móc quà tặng của tôi vào sợi dây tượng Phật đang đeo một cách cẩn thận. Tôi thấy buồn cười quá nên quay nhìn chỗ khác (nếu không tôi phá lên cười mất).
Lúc tôi ngẩng lên, anh ta đi đâu mất tiêu. Rồi tôi thấy anh ta xách một thùng nước từ đâu đi về. Sao không xuống suối lấy nước lên nấu cho gần nhỉ? Tôi sợ tôi mà ở đó thêm thì sẽ đi không nổi bởi vì tôi thật sự quý mến anh chàng có nụ cười và ánh nhìn đẹp này vô cùng.
Nhưng các bạn biết rồi đấy, tôi không thể ở lâu một chỗ được. Tôi mà ngồi ăn cơm chung với anh ta thêm một bữa thì tôi sẽ lại ngủ ở đó thêm một đêm, ngủ ở đó thêm một đêm rồi lại ngủ thêm một đêm nữa... nên tốt hơn là đi càng sớm càng tốt.
Tôi dẹp sổ và đứng lên nói tôi đi đây. Anh ta ngạc nhiên bảo tôi ở lại ăn cơm đã. Tôi nói đã ăn ở bản Thẳm rồi. Anh ta có vẻ ngạc nhiên bởi vì tôi vừa ăn sáng khoảng 8 giờ và lúc ấy mới 11 giờ rưỡi thôi; quả thật cái anh chàng kia rủ tôi ăn lúc 10 giờ rưỡi rồi, lại là món cá nên tôi không thể từ chối.
Lúc ấy anh ta mới hỏi tôi tên gì và tôi mới nhớ ra mà hỏi tên anh ta. Anh ta bảo tên Sầm Ly. Cái tên của anh ta cũng đẹp làm sao! Tôi xin chụp anh ta một tấm ảnh. Không chia sẻ tấm ảnh này với các bạn đâu bởi vì tôi muốn giữ nó cho riêng mình. Anh ta đứng cho tôi chụp xong rồi bảo rằng anh ta không đẹp bởi chỉ mặc quần tà lỏn áo thun ba lỗ và đang thổi lửa nấu cơm. Tuy nhiên khi bạn đã quý mến ai rồi thì dù họ có ăn mặc thế nào, các bạn vẫn thấy họ thật đẹp.
Tôi thật sự quý mến anh công an Lào có tên là Sầm Ly này. Bài viết này được tôi viết sau đó cả tuần lễ nên tôi nói thêm một điều mà tôi không ngờ đã xảy ra với mình, đó là hằng đêm tôi chìm vào giấc ngủ cùng với nụ cười đẹp của anh ta.
Chả lẽ bây giờ tôi quay lại Thakhet và bảo anh ta rằng tôi quý mến anh ta sao?!
Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Đức Quỳnh Dung (Thoibaokinhtesaigon)
Link to full article
Tin tức mới nhất về các danh lam thắng cảnh, những địa điểm du lịch trong nước và quốc tế , những tour du lịch hấp dẫn.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Popular Posts
-
(Tiếp theo) G iữa núi rừng bao la, bất chợt một khoảng không gian rộng lớn mở ra trước mắt bọn mình. Qua một vòng cua cong cong là những căn...
-
(Tiếp theo) G iữa núi rừng bao la, bất chợt một khoảng không gian rộng lớn mở ra trước mắt bọn mình. Qua một vòng cua cong cong là những căn...
-
D u lịch Cửa Lò trong cái nắng trải dài bãi biển chúng ta có dịp đến Nghệ An để thưởng thức rất nhiều món hải sản hấp dẫn, mang đặc trưng củ...
-
Tóm tắt: (ICTPress) - Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân giới thiệu Đại đức Thích Ngộ Thành là công...
-
Một thoáng Sapa Photo Phương Bùi Bạn sẽ trải qua đoạn đường đèo quanh co uốn lượn trước khi đến với Sapa Nhà thờ Sapa, khu vực tập trung chí...
-
T heo quốc lộ 28 khoảng 45km về hướng Đông Nam đi Lâm Đồng, thuộc xã Đăk P’lao và xã Đăk Som, huyện Đăk Glong, cách thị xã Gia Nghĩa khoảng ...
-
Tọa lạc ngay lối vào làng resort Mũi Né, resort The Cliff 4 sao với kiến trúc rất hiện đại, tinh tế là một trong những lựa chọn lý tưởng của...
-
Kỳ công làm nương trên ruộng đá ở Hà Giang Photo Mộng Hồng
No comments:
Post a Comment