Sunday, May 6, 2012

Tổ quốc trên đỉnh Đông Dương

Những người chinh phục đỉnh Fansipan (Phan Xi Păng) cao 3.143 m đều mang theo cờ Tổ quốc hoặc mặc chiếc áo đỏ in hình sao vàng trước ngực. “Khi lên đến Fansipan, ta bỗng thấy yêu thêm Tổ quốc mình” - nhiều bạn trẻ tâm sự

Nhóm bạn đồng nghiệp từ một đài truyền hình xuất phát sau chúng tôi đã không may mắn khi hôm họ lên gần tới đỉnh Fansipan, trời cứ mưa tầm tã. Dù vậy, với quyết tâm thực hiện ký sự về “nóc nhà Đông Dương”, cả êkíp phóng viên, quay phim vẫn lên đường, chấp nhận thách thức từ núi cao, vực sâu, núi đá trơn trượt... “Chúng tôi không thể bỏ cuộc vì thời tiết. Ký sự này sẽ phát sóng vào dịp lễ 30-4 và 1-5 nên bằng mọi giá, chúng tôi phải lên đến đỉnh Fansipan” - họ quả quyết.

Không có động lực cụ thể như nhóm bạn đồng nghiệp nhưng với chúng tôi, chinh phục đỉnh Fansipan luôn là khát vọng từ khi biết đến ngọn núi nằm ở khu vực giáp ranh hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu thuộc vùng Tây Bắc này.

Kiểm lâm viên Nguyễn Bá Diện, phụ trách Trạm Kiểm lâm Núi Xẻ - một trong ba điểm xuất phát để leo lên đỉnh Fansipan, bảo chúng tôi: “Với những người chinh phục đỉnh Fansipan, tôi thường khuyên nếu đã quyết tâm thì phải bất chấp thời tiết. Các bạn cứ đi, bởi thời tiết ở đây thay đổi theo từng giờ trong ngày, không thể biết trước được”.

Vào một sáng sương mù đặc quánh, chúng tôi cùng một “thổ địa” người H’Mông, anh Thào A Phình, quyết chí lên đường. Phình cho biết thời tiết ở dãy Hoàng Liên Sơn theo kiểu “tiểu khí hậu”, một ngày có tới 4 mùa và cách nhau vài cây số có khi đã khác nhau. Sương mù dày đặc, ẩm ướt và se lạnh buổi sáng hôm chúng tôi xuất phát từ Núi Xẻ chính là “mùa Xuân” trong ngày.

Trước khi lên đường, chúng tôi ao ước được nhìn thấy bầu trời xanh ngắt trên “nóc nhà Đông Dương” - bầu trời mà những tín đồ của Fansipan vẫn miêu tả rằng đẹp đến nỗi người ta phải hét lên vì sung sướng. Nếu may mắn hơn, người ta có thể bắt gặp những tầng mây ở lưng chừng núi không khác gì cảnh Bồng Lai giữa chốn hạ giới.

Thế nhưng, ông Ninh Anh Vũ, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên, lắc đầu: “Khó lắm! Thời tiết trên đỉnh Fansipan rất đỏng đảnh, đa phần là sương mù. Đoàn nào đi mà gặp được hôm trời trong xanh là may mắn lớn đấy”.

Tuy nhiên, với những người đang hăm hở khi lần đầu tiên sắp được đặt chân lên đỉnh Fansipan như chúng tôi, ông Vũ không quên cổ vũ tinh thần.

Chỉ vào bức ảnh lớn trong phòng làm việc của mình chụp đỉnh Fansipan với bầu trời xanh ngắt, ông tiết lộ: “Tay máy này đã mất cả tháng mới chụp được cảnh ấy đấy. Ngoài ra, trên đường lên Fansipan, các bạn không chỉ được thấy 4 mùa trong một ngày. Fansipan còn là vương quốc của phong lan và những loài động, thực vật đặc hữu, có trong Sách Đỏ”.

Hành trình lên đỉnh Fansipan của chúng tôi thế là cứ phấp phỏng, hồi hộp quanh chuyện thời tiết. Song, có vẻ như chúng tôi đã gặp may, mới xuất phát được chưa lâu thì trời hửng nắng. Trước đó, một kiểm lâm viên ở trạm Núi Xẻ với kinh nghiệm đi rừng nhiều năm còn quả quyết: “Trời thế này thì khó mà có nắng được trong vài ngày tới”.

Độ ẩm từ mức 100% trong không khí bỗng chuyển sang gió hanh khô, kiểu thời tiết lý tưởng để leo núi. Tuy nhiên, không ai biết trước được điều gì vì Fansipan quả là đỏng đảnh, như một cô gái đẹp nhưng khó chiều.

Có độ cao 3.143 m so với mực nước biển, để lên đến đỉnh Fansipan, chúng tôi phải chinh phục hành trình khoảng 12.000 m đường núi, cả đi và về theo đường ngắn nhất là 24.000 m. Với nhiều đoạn phải trèo lên vách đá, bám vào cây leo trong rừng để đi…, chúng tôi đã trải qua chuyến du lịch mạo hiểm lý thú bậc nhất trong đời.

Khí hậu trên đỉnh Fansipan thật khắc nghiệt. “Gió thường xuyên cấp 6-7, về đêm có thể lên đến cấp 8-9. Mùa đông đun nước trên đỉnh không thể sôi, luộc trứng thì không thể chín và băng tuyết xuất hiện thường xuyên” – “thổ địa” Thào A Phình cho biết. Thế nhưng, cảnh sắc trên đỉnh Fansipan thì thuộc vào hàng độc nhất vô nhị.

Lên “nóc nhà Đông Dương”, chúng tôi gặp nhiều bạn trẻ mang theo cờ Tổ quốc hoặc mặc những chiếc áo đỏ in hình sao vàng trước ngực. Trên đỉnh cao của Tổ quốc, đất nước trở nên thiêng liêng và ai cũng muốn phất cao ngọn cờ như khẳng định niềm tự hào và tự tôn trong dòng máu Việt.

“Khi lên đến Fansipan, ta bỗng thấy yêu thêm Tổ quốc mình. Đất nước mình quá đẹp, còn quá nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai phá hết” - nhiều bạn trẻ bộc bạch.

Du khách nước ngoài đến Sapa - Lào Cai giờ đây đã xem Fansipan là một điểm hấp dẫn để khám phá. Loại hình du lịch mạo hiểm ở Việt Nam chưa phát triển nhưng những địa danh như Fansipan đã trở thành lời mời gọi kỳ thú với các tay lãng tử thích phiêu lưu.

Dẫu vậy, để Fansipan trở nên gần gũi hơn với chính người Việt Nam thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Vài năm trước, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai đã tổ chức cuộc thi leo núi Fansipan quốc tế, đồng thời dự định sẽ phát triển thành một hoạt động thường niên. Tuy nhiên, cuộc thi này mới được tổ chức 3 lần thì nhà tài trợ rút lui nên không thể diễn ra nữa. Hôm chúng tôi lên đỉnh Fansipan, nơi đây đang vào mùa du lịch. Trước đó, vào dịp lễ Giỗ Tổ, có khoảng 1.000 người đăng ký chinh phục Fansipan.

“Chúng ta vẫn chưa khai phá hết tiềm năng du lịch của Fansipan. Dù hiện nay đã có khoảng 100 công ty lữ hành được phép tổ chức tour cho khách chinh phục Fansipan nhưng hình ảnh của ngọn núi này vẫn chưa đến gần với mọi người. Tôi thấy có khi khách nước ngoài biết về Fansipan nhiều hơn chính những người Việt chúng ta” - ông Ninh Anh Vũ băn khoăn.

Fansipan vẫn còn “ngủ” nên cần phải được đánh thức. Không ai khác, chính các bạn trẻ, những người mỗi lần lên “nóc nhà Đông Dương” thường mang theo cờ Tổ quốc, đã và đang làm Fansipan bừng tỉnh.

Du lịch, GO! - Theo Mạnh Duy (NLD), internet

Link to full article

No comments:

Post a Comment

Popular Posts