(ICTPress) - Nhắc đến Trường Sa không phải chỉ là tiền tiêu nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc, không phải chỉ là những cuộc hành trình nhọc nhằn và gian khó để đến được với đảo.
Nhắc đến Trường Sa không phải chỉ là tiền tiêu nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc; không phải chỉ là những cuộc hành trình nhọc nhằn và gian khó để đến được với đảo; những câu chuyện về những chiến sỹ xa đất liền, mạnh mẽ, kiên trung và hy sinh tuổi thanh xuân cho Tổ quốc… Mà còn có một Trường Sa khác, đầy lãng mạn...
Đôi bồ câu biển
Đá Tây là một trong những đảo chìm của quần đảo Trường Sa. Bãi san hô rộng bao quanh đảo, được ví như một chiếc hồ ôm ấp nhà kiên cố được xây dựng ở giữa trung tâm đảo.
Các chiến sỹ chốt giữ đảo Đá Tây kể chuyện, những ngày biển lặng, nước trong vắt, từ trên chốt nhìn xuống, bãi san hô bao quanh tựa như một bức tranh sống động, với những đàn cá nhiều màu sắc kéo nhau vào đớp bọt sóng.
Thiếu úy Đoàn Sỹ Hùng và đôi bồ câu biển trên đảo Đá Tây |
So với nhiều đảo chìm khác, Đá Tây là đảo rộng, có hai khu nhà kiên cố được nối thông với nhau bằng một chiếc “cầu” bê - tông dài chừng trăm mét. Đàn chó trên đảo hiền lành và hiếu khách. Chúng nằm la liệt trên cầu tầu, trên chiếc cầu hẹp nối giữa hai khu nhà, nhiều chú tinh nghịch nhào xuống biển bơi như một vận động viên chuyên nghiệp, rồi nhảy lên bờ rũ bộ lông ướt nhẹp khiến nước biển bắn tung tóe.
Ngoài những “vườn treo” trồng rau xanh trên đảo, Đá Tây còn có vài chậu trồng cây bàng vuông - những cây bàng nhỏ được chiết từ những cây bàng lớn trên các đảo nổi như Phan Vinh, An Bang…
Nhiều chậu ớt chỉ thiên quả sai chi chít; những trái ớt nhỏ đỏ lựng và chổng ngược lên trời. Đối với các đảo chìm, những chậu rau xanh, những chậu trồng ớt… được ví như những chậu cây trang trí ngoài đất liền.
Đôi bồ câu liệng một vòng quanh nhà kiên cố và không sợ sệt đậu trên lan can của nhà nổi. Chúng gắn bó với Đá Tây nhiều năm nay, và không bao giờ bay đi. |
Điều bất ngờ với chúng tôi là trên tầng 3 của nhà kiên cố đảo Đá Tây có một chuồng chim bồ câu xinh xắn: chiếc chuồng được làm bằng những thanh tre nẹp dọc, mái chuồng là tấm bìa các-tông được bẻ đôi, bọc ni-lông để che mưa táp vào.
Điều bất ngờ hơn, đó là về câu chuyện hai chú chim bồ câu biển. Nó là thành viên của đảo Đá Tây.
Thiếu úy Đoàn Sỹ Hùng, quê Nghệ An kể chuyện: hơn một năm trước, một chú chim bồ câu không biết từ đâu bỗng “ghé chân” vào đảo Đá Tây, rồi ở lại không đi.
Giữa cảnh trời nước mênh mông, và bồ câu không phải là loài chim biển, cho nên, sự xuất hiện của chú chim này là một kỳ tích.
Cả đảo hào hứng và chăm sóc nhiệt tình “thành viên” mới này. Một thời gian sau, lại có thêm một chú chim bồ câu khác tìm đến, kết bạn với chú chim cũ. Từ đó đến nay, Đá Tây có hai thành viên, là hai chú “bồ câu biển” này.
Thiếu úy Hùng mở cửa lồng, bắt một chú bồ câu hiền lành tung lên trời. Chú chim sải cánh, bay liệng một vòng xung quanh nhà kiên cố. Chú chim còn lại cũng sổ lồng bay theo bạn, nô giỡn giữa không trung.
Như đọc được suy nghĩ của tôi, anh Hùng cười: “Hai con bồ câu này hiền lắm, và chỉ quấn quýt ở đảo, không rời. Nó bay liệng một lúc, có thể sang đậu ở nhà hải đăng rồi nó lại về chuồng thôi.
Giữa những cánh sóng, đôi bồ câu bay lượn tự do và đầy phiêu lãng. “Nó là món quà tinh thần của biển trời tặng cho anh em đảo Đá Tây. Dù là hai “anh bồ câu” nhưng chúng rất thân thiện với nhau, không đánh nhau bao giờ…” - thiếu úy Hùng tâm sự.
Xương rồng, bàng vuông, quà biển…
Một tâm lý chung của nhiều người trong đoàn công tác khi ra Trường Sa, đó là muốn “giữ” một chút gì đó liên quan đến Trường Sa để làm kỷ niệm khi vào đất liền. Thứ mà ai cũng muốn tìm kiếm, đó là những quả bàng vuông - loài cây chỉ có ở những đảo nổi trên quần đảo Trường Sa.
Dãy bàng vuông cổ thụ trong khu hành chính của huyện đảo Trường Sa là những cây có “thâm niên” lâu nhất ở đảo: những vòng gốc hai người ôm không xuể, tán lá xanh mát che kín cả một góc sân.
Dãy bàng vuông cổ thụ trên đảo Trường Sa Lớn |
Một thời gian sau, những bông hoa kết quả, quả bàng vuông khi trưởng thành hết cỡ có kích thước bằng một vốc tay người lớn.
Sự hiếu khách của các chiến sỹ khiến chúng tôi vừa cảm động vừa cảm thấy rất vui: các chiến sỹ trẻ xăng xái đi tìm bàng vuông tặng các chị văn công, các nữ nhà báo. Nhiều chiến sỹ còn “giấu” những trái bàng vuông của cây nào, ở đâu… không cho ai biết, để khi có đoàn đến thăm đảo, sẽ hái làm quà tặng khách đất liền.
Các chiến sỹ nói, bàng vuông là quà của Trường Sa. Chỉ những đảo nổi như Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, Phan Vinh, An Bang… mới có bàng vuông. Những đảo chìm, không có đất để trồng cây.
Các đảo “tặng” nhau bằng cách chiết những cành bàng vuông gửi sang đảo khác, trồng trong chậu, vừa có thêm màu xanh, vừa nhân rộng loài cây kiêu hùng này ra nhiều đảo.
Đêm liên hoan trên đảo Trường Sa Lớn. Thay vì những bó hoa tươi như ngoài đất liền, các chiến sỹ lấy hoa nhựa, mạnh dạn tiến lên tận sân khấu tặng một cô văn công xinh đẹp; có chiến sỹ lặn lội ra tít bên ngoài hái một chùm hoa đại vẫn còn đẫm những giọt nước của cơn mưa chiều.
Những chùm hoa bàng vuông trên đảo nổi Trường Sa |
Nếu như đảo Đá Tây được ví như “thành phố biển” vì sự lung linh của những chiếc tàu câu mực về đêm, rừng san hô bao xung quanh đảo… thì An Bang lại được ví như một thiếu nữ xinh đẹp nằm tắm sóng biển đông.
Từ trên cano “tăng bo” nhìn vào đảo An Bang, ngoài sự thán phục vì đảo khang trang, xanh tươi như một quần thể sinh thái, điều khiến chúng tôi trầm trồ không ngớt đó là bãi cát vàng yên ả bao quanh đảo.
Bãi cát tự nhiên trải dài hàng cây số chiều dài. Đứng từ trên đỉnh tháp Hải đăng của đảo An Bang nhìn xuống, nó mềm mại như vòng eo của người thiếu nữ.
Câu chuyện về bãi cát của An Bang cũng đẹp như chính sự diễm tình thiên nhiên của nó: những bãi cát “di chuyển” theo các đợt sóng biển dội vào bờ, không cố định một chỗ. Nó giống như hiện tượng bồi – lở của những dòng sông trên đất liền. Những đảo có bãi cát nhô lên giữa đại dương mênh mông, trong quần đảo Trường Sa chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Đó là những Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, An Bang, Phan Vinh, Thuyền Chài A…
Không biết, có phải vì sự hiếm hoi của nó mà khiến tôi thấy bãi cát trên đảo An Bang hệt như một thiếu nữ đang nằm nghiêng, mặt hướng ra biển, và sóng biển hiền hòa vỗ về, nâng niu vòng eo…
Kiên Trung
VietnamNet
Link to full article
No comments:
Post a Comment