Thursday, May 31, 2012

Cảm xúc tháng 4 trên quần đảo Trường Sa

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Tôi đã về với đất liền nhưng những gì ở Trường Sa trong tháng 4 này đã ở lại trong tôi và sẽ cùng theo tôi mãi mãi. Ở đâu đó quanh tôi câu “đảo là nhà biển cả là quê hương” vẫn luôn ngân vang.

(ICTPress) - Chúng tôi, những nhà báo Thông tin và Truyền thông, may mắn được thăm quần đảo Trường Sa đúng vào dịp 37 năm ngày giải phóng Trường Sa 29/4/1975 - 29/4/2012. Ra khơi, ra với biển và Trường Sa để thấy thêm tự hào về tổ quốc mình, thêm yêu quân và dân trên quần đảo Trường Sa kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió.

Tự hào biển Việt Nam

Mỗi một năm tôi ao ước ra biển một lần có thể chỉ một ngày nhưng với chuyến công tác gần nửa tháng trên biển làm tôi phấn chấn vô cùng. Nhiều giờ trên biển mênh mang tôi càng tự hào sâu sắc biển Việt Nam.

Theo công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 thì nước ta có diện tích biển khoảng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền, chiếm gần 30% diện tích Biển Đông (cả Biển Đông gần 3,5 triệu km2). Vùng biển nước ta có khoảng 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ và 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa được phân bố khá đều theo chiều dài bờ biển của đất nước, có vị trí đặc biệt quan trọng như một tuyến phòng thủ tiền tiêu để bảo vệ sườn phía Đông đất nước. Một số đảo ven bờ còn có vị trí quan trọng được sử dụng làm các điểm mốc quốc gia trên biển để thiết lập đường cơ sở ven bờ lục địa Việt Nam, từ đó xác định vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, làm cơ sở pháp lý để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển.

Vẻ đẹp của biển Đông

Vùng biển và ven biển Việt Nam nằm án ngữ trên con đường hàng hải và hàng không huyết mạch thông thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa châu Âu, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản và các nước trong khu vực.

Biển Việt Nam có tiềm năng tài nguyên phong phú. Nguồn lợi hải sản nước ta được đánh giá vào loại phong phú trong khu vực. Ngoài cá biển là nguồn lợi chính còn có nhiều đặc sản khác có giá trị kinh tế cao như: tôm, cua, mực, hải sâm, rong biển… Riêng cá biển đã phát hiện hơn 2000 loài khác nhau, trong đó có trên 100 loài có giá trị kinh tế cao. Đến nay, đã có 15 bãi cá lớn quan trọng, trong đó có 12 bãi cá phân bổ ở vùng ven bờ và 3 bãi cá ở các gò nổi ngoài khơi được xác định. Nguồn lợi giàu có này của biển khơi được tôi cảm nhận qua những lúc đứng trên boong tàu hay lúc tàu neo đậu. Những đàn cá to bơi thành đàn hay những mẻ cá tươi ngư dân đánh bắt được tặng các chiến sỹ ở các đảo có thêm thực phẩm và những nơi nhiều cá đến nỗi nhiều người ví như “Ao cá Bác Hồ”.

Nhà báo Hoàng Liên Sơn, Thông tấn Xã Việt Nam một lần trò chuyện cho tôi biết trước đây anh không thích biển, nay ra biển mới thấy biển đẹp và kì vỹ nhường nào. Đất nước mình có những vùng biển đáng tự hào. Tự hào về ông cha mình từ thời Chúa Nguyễn đã đi thuyền ra khai thác các sản vật trên quần đảo Vạn Lý Trường Sa.

Trường Sa thân yêu

Có đi Trường Sa, tôi mới ngấm và thấm hơn câu “Trường Sa thân yêu”. Trường Sa thân yêu đối với tôi bắt đầu từ màu xanh của cây cối. Từ xa trước khi tàu cập cảng Trường Sa lớn hay sau đó là trước khi vào các đảo nổi, đảo chìm, màu xanh trên các đảo làm chúng tôi thấy thân thương, gắn bó như ở đất liền, như trở về với quê nhà.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, tác giả cuốn “Đảo chìm” nổi tiếng, từng là người lính ở Đảo Thuyền Chài cho biết trước đây bóng của đảo là bóng của người lính. Bây giờ Trường Sa mát mẻ, trù phú như công viên sinh thái. Cây cối mỡ màng.

Ở những đảo nổi, ấn tượng nhìn từ xa nhìn vào là tràn ngập màu xanh của phong ba, bàng vuông, tra, dừa… vững chãi, còn khi vào sâu hơn trong đảo nổi cũng như đảo chìm, chúng tôi ấn tượng bởi những vườn rau xanh. Các chiến sỹ ở đảo đã phủ xanh mọi ngóc ngách có thể để tạo không gian mát mắt giữa nắng, gió biển khơi và để có rau ăn. Tôi còn ấn tượng bởi cứ mỗi lần chúng tôi vào đảo nào, con tàu đưa chúng tôi đến với Trường Sa lại thông báo với chúng tôi tổng kết năm 2011 các chiến sỹ trên đảo trồng được hàng ngàn kilogram rau. Nhiều đảo chìm một năm đã tăng gia được gần 2500 kg rau như Đảo Núi Le, Đảo Thuyền Chài… Đảo An Bang, một đảo có điều kiện tự nhiên đặc biệt, khắc nghiệt, các vườn rau phải xoay theo chiều sóng và chiều gió theo hai mùa trong năm, nhưng các chiến sỹ đã trồng được rau ăn dư dả.

Vườn rau xanh mướt trên đảo An Bang

Ấn tượng tiếp theo trước khi vào đảo còn là những chiếc chong chóng gió, những tấm pin mặt trời. Đâu phải là chàng Đông Ki-sốt trong truyện của Đại văn hào Xécvantec, mà những chiếc chong chóng gió được các nhà khoa học, kỹ thuật viên của Quân chủng Hải quân và cán bộ, chiến sĩ Trường Sa, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển năng lượng mặt trời Bách Khoa hỗ trợ kinh phí và công nghệ, đã bắt nắng, gió, những nguồn năng lượng thiên nhiên ưu đãi cho Trường Sa để chuyển hóa thành điện năng. Hơn hai năm thi công lắp đặt công trình, để đến hôm nay tất cả các đảo chìm, đảo nổi, nhà giàn có điện 24/24 giờ chạy bằng năng lượng mặt trời phục vụ quân và dân trên quần đảo Trường Sa. Buổi tối Trường Sa sáng lung linh giữa biển khơi. Trường Sa đang thức, hướng về đất liền.

Đón chúng tôi ngày đầu tiên ở trên quần đảo Trường Sa là quân và dân Trường Sa lớn. Những cái bắt tay, những lời hỏi thăm và cả những cái ôm chầm như những người ruột thịt lâu ngày gặp lại. Cảm xúc cứ dâng trào như những đợt sóng không ngừng mà đợt sóng cao nhất là những lúc chúng tôi đứng ở cột mốc và dưới ngọn cờ Tổ quốc, được xem diễu binh của các lực lượng trên đảo. Ai ai cũng mong chụp được tấm hình ở cột mốc, nhưng với tôi và với nhiều người thăm quần đảo Trường Sa, cột mốc Tổ quốc đã vĩnh viễn ở trong trái tim và trong tình cảm của mỗi người.

Diễu binh trên đảo Trường Sa lớn

Đón chúng tôi, các chiến sỹ ở các đảo còn dành cho chúng tôi những chậu nước ngọt các anh luôn phải chắt chiu, tằn tiện. Những thau nước đầy để ngay cầu tàu, bên cạnh là những bánh xà bông, những chiếc khăn lau trắng dành cho khách rửa tay, rửa mặt sau những giờ trên biển có hơi nước biển mặn dính vào người.

Nhưng trên tất cả với tôi là những cảm xúc về những con người kiên cường ở Trường Sa. Con người tạo nên tất cả, con người tạo nên Trường Sa như hôm nay. Thăm 12 điểm đảo và một nhà giàn, chúng tôi trước chuyến đi tâm niệm là thăm, là chia sẻ, động viên những con người giữa trùng khơi nhưng không phải vậy. Họ, những con người ở biển khơi, lại củng cố niềm tin ở chúng tôi.

Anh Nguyễn Huy Lương, đội trưởng đội đảm bảo không quân trên đảo Trường Sa lớn, còn rất trẻ, khảng khái và quyết tâm khi thấy chúng tôi bịn rịn chia tay: Đất liền cứ yên tâm, không phải lo lắng, ngoài đảo Trường Sa, lực lượng trẻ với nhiệt huyết của tuổi trẻ, tinh thần tự hào của dân tộc, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì chủ quyền của chủ quyền biển đảo, mảnh đất thiêng liêng của tổ quốc, bảo vệ lãnh hải, đảm bảo cho bà con ngư dân ra đánh bắt cá.

Những ngày sau đó và ở các điểm đảo khác, chúng tôi luôn nhận thấy bầu nhiệt huyết, tinh thần dân tộc nơi các anh, những chiến sỹ biển đảo, nhiều người còn rất trẻ.

Tại đảo Đá Tây, chúng tôi gặp anh Hồ Anh Tuấn, đảo phó mới ngoài tuổi 30, người Yên Thành, Nghệ An. Anh cho biết vợ mới sinh con gái thứ hai được một tháng rưỡi. Anh chưa được gặp mặt con, được xem hình ảnh đứa con gái yêu quý. Anh gần hết một tăng công tác nữa trên đảo, tháng 7 này sẽ về gặp vợ con luôn thể.

Hoàn thành nhiệm vụ trước tiên cũng là quyết tâm của các anh Nguyễn Văn Quyết, đảo Phan Vinh hay Thượng úy Phạm Quốc Phương, Điểm trưởng điểm đảo Tốc Tan C. Anh Quyết có con bị bệnh bẩm sinh chậm phát triển, nay con đã 22 tháng tuổi nhưng đặt đâu nằm đó. Chúng tôi hỏi nếu được tạo điều kiện anh có muốn về sớm với vợ con không? Người chiến sỹ đã từng ở đảo Sinh Tồn, Nam Yết cho biết sẽ hoàn thành nhiệm vụ rồi sẽ trở về. Hàng ngày, anh gọi điện động viên vợ. Thiếu úy Phạm Quốc Phương có con nhỏ vừa mất vì bạo bệnh. Anh không về được. Cảm xúc anh dâng trào khi chúng tôi hỏi thăm nhưng anh vẫn vững vàng qua ánh mắt anh sẽ hoàn thành nhiệm vụ.

Hình ảnh thanh bình ở đảo Trường Sa lớn

Quần đảo Trường Sa với những con người kiên cường như vậy nên tôi đã hiểu tại sao tôi lại có cảm nhận cuộc sống thanh bình quá đỗi ngay từ ngày đầu chúng tôi đặt chân lên đảo. Tôi vẫn nhớ như in, trong buổi chiều gió mát ở Trường Sa lớn sau một cơn mưa bất chợt, hình ảnh người bố đẩy xe đưa hai con vòng vòng và những em bé ở các gia đình nô đùa, tinh nghịch trước cửa chùa Trường Sa lớn. Cũng tại đây, chúng tôi có những giây phút đàm đạo với Đại đức Thích Ngộ Thành. Thầy mới ra đảo nhưng thầy đã thấy nơi đây thân thuộc và thầy cho biết sau khi nói chuyện với chúng tôi thầy còn đi chuẩn bị để trình bày một tiết mục văn nghệ trong buổi giao lưu văn nghệ vào buổi tối giữa đoàn công tác chúng tôi với quân và dân trên đảo. Trong gió biển ban chiều mát rượi, tôi bỗng nhìn thấy cầu vồng bừng lên từ trên gác mái chùa Trường Sa lớn.

Cầu vồng bừng lên trên chùa đảo Trường Sa lớn

Tôi đã về với đất liền nhưng những gì ở Trường Sa trong tháng 4 này đã ở lại trong tôi và sẽ cùng theo tôi mãi mãi. Ở đâu đó quanh tôi câu “đảo là nhà biển cả là quê hương” vẫn luôn ngân vang.

Lan Phương

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Link to full article

H12 - Đoạn kết một chuyến đi...

(Tiếp theo và hết)
Rời bãi đá Hòn Rơm, bọn mình trở ra thị tứ Long Sơn và ghé lại cái quán bánh canh mà trong chuyến trước trước kia đã từng ăn một lần.

Ngày tái ngộ: dù vẫn là quán vỉa hè nhưng thay đổi hết từ bàn ghế, bạt che (trước không có), tủ chạn... và thay luôn cả giá - 35k cho 2 tô tương tự thuở 10k/tô xưa.

< Bình minh sáng hôm sau trên con đường TL706B.

Phố ăn uống về đêm đối diện chợ Mũi Né cũng ghé luôn: trứng vịt lộn, chè đá... và màn cuối là nhâm nhi ly cà phê thơm nồng ở quán Quyên Sương đối diện bùng binh. Quán và cà phê vẫn như thuở nào, giá 8k/ly phê đá (lên 1k) - duy chỉ có cô bưng bê thật có duyên ngày não ngày nao không còn, hỏi ra mới biết cô nàng đi lấy chồng - Vậy là "ván đã đóng thuyền".

< Mũi Né thân thương, Mũi Né đẹp và vẫn còn nhiều chốn mà bọn mình muốn ghé nhưng chưa có dịp...

Bình minh, thời gian trôi nhanh. Thấm thoát cũng đã là đầu ngày thứ 4, ngày bọn mình phải về. Nếu không có vụ phải ghé Gia Ray đóng phạt thì chắc chắn bọn mình không về sớm, cũng không đi QL1A (QL chán pà kố, lại nhiều xe dù gần) mà sẽ chọn lộ trình vòng vo, điên rồ như hồi đi. Vậy nhưng cung về khởi hành lại khá sớm, chỉ tầm 5h là hành lý đầy đủ trên xe, trả phòng và go!

< Những nơi chưa đến được như Mũi Yến Hồng Chính, mỏm đá Tannobi, vực đá đỏ ở đồi cát Trinh Nữ, vực đá đỏ Bồng Lai Tiên cảnh... bao giờ sẽ nằm gọn trong tầm mắt, mình cũng chả biết.

< Lờ mờ những màn sương mỏng khi mình ngoáy nhìn lại nơi chốn đã rời xa...

Chuyện giấy tờ "hành chính" thường khó nhanh chóng được, vậy nên đi sớm để tránh cái sự "quá giờ làm việc" khi đóng phạt ở Gia Ray, phải chờ đến đầu giờ chiều thì phí cả thời gian và sức lực.
< TL706B nhấp nhô theo những triền đồi. Nếu không có sự kiện nhật thực toàn phần ngày 24.10.1995 thì dám chừng đến bây giờ: Mũi Né vẫn còn hoang vu...

Sáng sớm trên con đường "xa lộ" thênh thang (TL706B) thật tuyệt: rất vắng xe, hai bên lề rộng rãi có vài nhóm người chạy thể dục buổi sáng. Con đường trông dài như bất tận với những bồn hoa, lề lót gạch trắng vàng... chạy vòng vèo lên rồi xuống dốc. Mé phải đường cũng là những đồi cát hoang sơ không dấu chân người, quyến rũ khó tả đối với hai cái bụng phượt dẫu rằng đang đói. Chạy mà đầu cứ nhớ về những năm xưa, trước 1990 thì vào đây được chỉ có nước chạy xe Jeep gồng ga qua đồi cát và bụi rậm...

< Qua cầu Phú Hài và cầu Ké, bọn mình vào thị tứ Phan Thiết: một xứ biển phát triển mạnh, sầm uất nhưng cũng thật an bình.

Ghé vào một quan ven đường gần cầu Phú Hài, gọi cơm sườn ra rồi mới hay mình sai lầm! Giá thì không mắc nhưng từ "ngon" lại hoàn toàn xa lạ với những gì họ dọn ra. Vậy nên lùa vài miếng cho có lệ, nhấp ngụm cà phê pha từ "chai cốt" rồi xị mặt, trả tiền và cất cánh - kinh nghiệm cho lần sau không bao giờ tái ngộ cho dù có... miễn phí đi chăng nữa.

< Qua đường Trần Hưng Đạo, Trần Qúy Cáp...

< ... rồi vượt cầu Ông Nhiễu...

< Trước khi đến bùng binh phía Tây Phan Thiết thì bọn mình gặp kiến trúc Ả Rập này. Đây là Khu vui chơi & Giải trí Suối Cát. Khu giải trí có diện tích trên 33ha, được bao bọc dọc theo Sông Cát, tọa lạc ngay cửa ngõ vào TP. Phan Thiết, cách bãi biển Tiến Thành 5 phút xe chạy và bãi biển Mũi Né 15km.

< Còn đây là bùng binh với đường ngang QL1A: quẹo phải thì... đi bụi tiếp còn rẽ trái sẽ "hướng về Sài gòn".

Khu vui chơi này ngày cuối tuần hay lễ thu hút rất đông người dân Phan Thiết. Các gian hàng ẩm thực biển, sân khấu ca múa nhạc ngoài trời cũng như phòng trà Romantic, cà phê ma và dịch vụ thám hiểm 18 tầng địa ngục, khu vui chơi thiếu nhi, khu trò chơi cảm giác mạnh… thường phục vụ hết công suất để đáp ứng nhu cầu của khách tham quan.

< Con đường "xương sống" của nước mình đây: QL1A...

< Thi thoảng lại gặp những cây phượng đỏ rực ven đường báo hiệu mùa hè, mùa của du lịch...

< Trạm thu phí Sông Phan, vậy là sắp vào thị trấn Thuận Nam. E ấp sau trạm là một ngọn núi lớn...
< ... mà chắc bạn nhận ra ngay: núi Tà Cú đó mà. Ảnh là ngã 3 đường vào núi Tà Cú.

Núi Tà Cú cao 649 m, nằm ven Quốc lộ 1A, thuộc thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, cách Phan Thiết 28 km về phía Nam là một thắng cảnh và là một điểm leo núi của tỉnh Bình Thuận. Nhiệt độ trung bình trên núi  từ 18 đến 22°C.

Để lên tới đỉnh ngọn núi nằm trong khu rừng cấm, du khách có thể cần 2 giờ để vượt qua 2.290 m đường dốc. Bằng Lăng là đoạn dốc cao nhất, nghiêng 45°. Hoặc du khách có thể ngồi mươi phút trong cabin "bay" theo đoạn dây cáp dài 1.600 m ở độ cao 500m, ngắm nhìn khu rừng xanh bao la.

< Ngọn núi nhỏ khác, bên cạnh là chùa Phụng Sơn.

Nằm ở độ cao 563 m (chưa tới đỉnh Tà Cú) là hai ngôi chùa: chùa Trên (Linh Sơn Trường Thọ) và chùa Dưới (Long Đoàn), cùng bậc thang đá cao và những ngọn tháp. Ở đây có bức tượng Phật Thích Ca nằm, làm bằng bê tông, quét vôi trắng dài 49 m.

< QL1A dù là con đường xương sống, ngắn nhất để về Sài Gòn nhưng bọn mình không thích đi. Nói đơn giản là nó không phải là con đường du lịch, không có cảnh đẹp... chỉ có cái thuận tiện.

< Ngã 3 Tân Nghĩa đây: nếu quẹo vào đó là đi La Gi theo QL55, đi QL nhanh và ngắn thật!

< Địa giới hành chính tỉnh Đồng Nai, bây giờ phải cẩn thận chuyện tốc độ để không bị "bắn" thêm lần nữa! Nói vui thôi chứ trên QL: trước nay mình không bao giờ vượt 60km dù đường vắng teo.

< Ngã 3 Núi Le của Gia Ray. Hồi mình nhận biên bản phạt thì biết nơi đóng phạt gần ngã 3, nhưng không phải ở đây mà là ngã 3 Ông Đồn, cách nơi này chừng 3km.

< Đầy những bảng "Tuyến đường thường xuyên kiểm tra tốc độ các loại xe". Trước kia, đi openbus đến khúc Đồng Nai thì các xe thường "bò" chậm kinh khủng. Mà mình cũng đang "bò" dưới 40 do vào khu dân cư.

< Rồi cũng đến nơi "đóng hụi chết", trước khi tới, bọn mình cũng chạy qua Kho bạc - có lẽ đóng tiền tại đấy. 

Trước cơ quan CA có bảng "Cấm chộp ảnh" nên bà xã bắn một phát ơ xa rồi cất máy vào, tránh chuyện lộn xộn không đáng có. Vậy nhưng anh chàng gác cổng vẫn ngó chăm chăm...

Vào nộp biên bản phạt và chờ giữa rừng người vi phạm. Mẹc ơi: vi phạm cho lắm - "của" vào kho sẽ đều đều đây.

< Y như dự đoán: nhận quyết định xử lý rồi thì qua kho bạc đóng phạt. Vừa ra khỏi cửa phòng thì cò già cò trẻ túm lại ngay: "Đưa ông già đàng kia đi đóng, đóng xong mới trả $, chỉ thêm 20k thôi nhưng sẽ nhanh".

Mình từ chối và tự đi. Chuyện "tự đi đóng này khiến mình mất thêm 20 phút chờ đợi bên kho bạc dù chả có ai ngoài "cò". Chuyện tự nhiên là phải thế, vậy nhưng rồi cũng xong! Có lẽ không bao giờ có ngày tái ngộ nơi này, he he...

< Một nhánh rẽ trái đi Sông Ray, nhìn lại nhớ chuyến đi thác thác Hòa Bình (thác Sông Ray) quá.

< Đến thị xã Long Khánh vào lúc 11h18 phút, bọn mình vào đây dùng bữa trưa tại một quán cơm văn phòng. Ngon, giá chỉ 20k/dĩa kèm canh, trà đá.

Chạy vào chợ định mua chôm chôm nhưng giá không rẻ do đầu mùa. Thôi thì cứ "tậu" ở thành phố cho khỏi cảnh chở nặng.

< Tái ngộ dốc "Mẹ Bồng Con". Sau này mới biết đoạn Cẩm Đường không còn khiếp như lúc trước: vậy là sẽ ít dịp đi ngõ Ngã 3 Dầu Giây trong những chuyến phượt sau.

< Lối cũ về Bình Sơn...

Tính ra, chuyến đi "cày đường" chỉ mất 3 ngày rưỡi (keo kiết quá). Lộ trình từ Cát Lái - Nhơn Trạch - QL51 - Long Thành - Bình Sơn - Dầu Giây - Long Khánh - Gia Ray - Võ Đắc - Đức Tài - Võ Xu - Lạc Tánh - Tà Pao - La Ngâu - Đa Mi - Lộc Nam - Lộc Thành - Bảo Lộc - Liên Đầm - Di Linh - Gia Bắc - Phan Thiết - Mũi Né... và từ đó trở về Sài Gòn.
< ... qua những rừng cao su tuyệt đẹp.

Đây là một trong những chuyến mà mình "nuốt đường" nhiều, xúi quẩy và may mắn cũng lắm nhưng vẫn bình an về nhà. Tổng chi phí chuyến đi chừng 2T tính cả đóng phạt, vỏ ruột xe, xăng cộ, ăn uống ngủ nghỉ...
Xem ra cũng bèo phải không bạn?

Về nhà vui và đối đầu khối trục trặc máy tính nên post bài chậm, vậy nhưng lại bắt đầu lui cui tính lộ trình chuyến sau - Lỡ dính bệnh lãng du, lỡ dại dột ham phượt nên cuộc đời khổ vậy đó, hi hi...
Hết
Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 cuối

Link to full article

Đền Bà Triệu, thắng cảnh xứ Thanh

Cách thủ đô Hà Nội khoảng 170km theo đường quốc lộ 1A, huyện Hậu Lộc là vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa lâu đời của tỉnh Thanh Hóa với nhiều đền chùa cổ kính. Một trong những thắng cảnh đẹp nhất của huyện là đền Bà Triệu thờ người nữ anh hùng Triệu Thị Trinh (225-248).

Nằm dựa lưng vào ngọn núi Gai ngay sát đường quốc lộ, đền thường xuyên được khách ra Bắc vào Nam viếng thăm hương khói. Trước đây, bao quanh đền Bà Triệu là khu rừng tự nhiên rất xinh đẹp. Nay thì rừng đã bị chặt phá, thay vào đó là rừng trồng và cây ăn quả.

Để tỏ lòng kinh ngạc, nhớ ơn vị nữ tướng trẻ tuổi lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược bắc phương, người dân địa phương đã dành ra diện tích gần 4ha ngay chân núi Gai có phong cảnh xinh đẹp , không gian yên tĩnh để xây đền. Qua chiếc cổng bề thế là một hồ sen bốn bề kè đá.

Đầu xuân, sen chưa nở, mặt nước trong xanh in bóng hai hàng cây cổ thụ quanh hồ. Du khách có cảm giác thư thả, lắng đọng như đang dạo trong công viên với tràn ngập màu xanh của cây lá và âm thanh ríu rít của tiếng chim. Tuy nhiên, nếu đến thăm nơi đây vào lúc có hội thì du khách sẽ thấy không gian đền lại trở nên nhộn nhịp, tấp nập với nhiều màu sắc, âm thanh mà vẫn giữ được vẻ trang nghiêm, tôn kính.

Đi tiếp qua cổng nội là đền tả hữu mạc, tiền đường, trung đường và hậu cung là nơi khách thập phương đến dâng hương, hành lễ. Tiền đường gồm năm gian, cột đá mài vuông cạnh, sau nhà tiền đường là một khoảng sân nhỏ. Cuối sân là ba gian hậu cung dựng trên mặt bằng cao hơn, dựa vào vách núi. Nằm trong quần thể khu di tích đền Bà Triệu còn có lăng Bà Triệu được xây trên đỉnh núi Tùng, nơi bà tuẫn tiết cách đó không xa.

Từ ngày 20 đến 22-2 Âm lịch hằng năm, người dân trong vùng lại đến đền để tổ chức kỷ niệm ngày mất của bà Triệu. Đây là lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống và rất phong phú với nhiều nghi thức như lễ mộc dục, lễ giỗ, lễ trình lính, lễ rước kiệu, lễ yên vị, tế cúng đình, tế nữ quan...

Trong đó, lễ rước kiệu là nội dung quan trọng và thu hút được nhiều người tham gia nhất. Phần hội tưng bừng với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, đặc biệt nhất là hội trận "Ngô - Triệu giao quân", khơi dậy hào khí chống quân Ngô xưa kia, tạo nên nét đặc sắc của lễ hội Bà Triệu. Lễ hội cũng là dịp để trai tráng trong vùng gắn chặt tình đoàn kết và khơi dậy niềm tự hào về truyền thống của dân tộc.

Du lịch, GO! - Theo Triệu Sơn (DNSGCT)

Link to full article

"Độc" như món ăn của dân du lịch bụi!

Chuyện ăn uống trong mỗi chuyến đi du lịch cũng là 1 trong những kỷ niệm đáng nhớ, đôi khi còn có phần liều lĩnh, có phần quái dị mà người ngoài cuộc khó có thể tưởng tượng ra.
Với dân du lịch bụi, chỉ với vài ba dụng cụ đơn giản, gọn nhẹ và tối cần thiết nhất mang theo trong mỗi chuyến đi, họ đã sáng tạo ra rất nhiều kiểu nấu nướng độc đáo để có thể tự mình tiếp thêm năng lượng cho cuộc hành trình mà không phụ thuộc vào hàng quán ven đường, nhất là khi đi vào những nơi xa xôi, hẻo lánh, nguồn cung hạn hẹp.

Trứng ốp vung, cà phê bếp cồn

Nhẹ nhàng và đơn giản nhất là việc nấu mỳ tôm bằng nồi và ốp trứng bằng vung. Mỳ tôm và trứng đã được chuẩn bị trước từ nhà và luôn có sẵn trong balô.

Cùng với chiếc bếp nhỏ, vài viên cồn khô và nồi nhôm tiện dụng, chỉ vậy thôi đã đủ cho 1 bữa ăn "thịnh soạn". Nguồn nước sử dụng cho việc nấu mỳ khá đa dạng và phụ thuộc chủ yếu vào địa điểm nơi đoàn dừng chân. Có thể là nước đóng chai, nước suối ở nơi cách xa khu dân cư hoặc nước giếng, nước bể đoàn xin được từ những hộ dân ven đường...

Cũng chiếc bếp cồn và cái nồi nhôm ấy, dân du lịch bụi còn có thể làm cho hành trình của mình thêm phong phú và thư thái bằng việc đun nước pha cafe và uống dã chiến ven đường. Trong cái gió, cái nắng bỏng rát, hay giữa cái lạnh đến thấu xương của miền sơn cước lại được nhấp từng ngụm cafe nóng bỏng và thả hồn mình cùng thiên nhiên hùng vĩ bao la sẽ giúp tâm trạng của mỗi thành viên trong đoàn thêm thoải mái hơn và tỉnh táo hơn cho quãng đường dài sắp tới.

Theo như lời Thanh Hải (Hà Nội) - một bạn trẻ thường xuyên đi phượt chia sẻ: "Đó vừa là những phút giây trải nghiệm không thể nào quên, cũng vừa là thú vui, thói quen nhâm nhi cốc café như khi ta ở nhà".

Thịt nướng "bụi"

Cầu kỳ hơn nữa, họ còn có thể nướng thịt từ chính chiếc bếp cồn này. Thịt tươi mua từ những khu chợ ven đường đi được tẩm ướp đậm đà qua bàn tay khéo léo đảm đang của các bạn gái trong đoàn chỉ chờ “thời khắc” “lên vỉ”. Dụng cụ để nướng cũng rất khiêm tốn, khi là chiếc vỉ cẩn thận mang theo, hoặc chỉ là những thanh thép được mài nhọn 1 đầu, thậm chí dùng cả vỉ que tre “tự chế cấp tốc”.

Và bếp để nướng thì không chỉ có chiếc bếp cồn, mà ngoài ra, bếp có thể được dựng lên ở bất cứ chỗ nào, từ bất kỳ nguyên liệu gì. Là bếp củi được kê bằng những viên gạch to, hay là hố đất đào vội rồi vùi cồn khô xuống. Tất cả đều được các dân du lịch bụi sử dụng rất linh hoạt để nướng thành công bữa thịt nướng giữa rừng thế này.

Nấu ăn bằng... pô xe máy

Sự sáng tạo của con người dường như là vô tận, đặc biệt là với những “phượt thủ” dày dạn kinh nghiệm đường trường, hiểu rõ cơ chế hoạt động của từng bộ phận trện chiếc xe của mình và biến nó thành dụng cụ nấu ăn độc đáo. Điển hình nhất là... nấu ăn bằng pô xe máy. Dựa trên sức nóng tỏa ra từ chiếc pô xe máy khi hoạt động, cùng thời gian chạy trên đường dài (chặng đường chạy xe thường có chiều dài từ 100 – 150km), những người con của “chủ nghĩa xê dịch” đã nghĩ tới việc làm chín thứa ăn để tận dụng lượng nhiệt lượng dồi dào đó.

Có 2 loại thịt thường được sử dụng là: thịt bò và thịt ba chỉ. Loại thịt này được thái bản mỏng, tẩm ướp gia vị, rồi gói vào giấy bạc ( lưu ý là nên gói qua vài lớp giấy bạc để giữ nước thịt lại và tránh bụi bặm khi đi xe), sau buộc chặt vào ống pô bằng dây thép, áp đều diện tích của gói giấy bạc vào pô xe

Thịt trong giấy bạc sẽ hấp thu nhiệt và chín dần dần. Khi xe chạy tầm 50-60km, sức nóng của ống pô tỏa ra sẽ đủ để làm chín thịt. Thịt nướng bằng pô xe thơm ngon chẳng thua gì món thịt thông thường. Hoàn toàn không có mùi xăng ám vào. Và càng làm cho chúng ta ngạc nhiên về độ thông minh, tháo vát của dân ham phượt bằng xe máy!

Ngon như nộm chuối trong rừng

Với những “phượt gia” kỳ cựu, thường xuyên đi rừng thì lá cây và cây rừng đã trở thành 1 món thực phẩm thân thuộc. Họ đủ kiến thức và kinh nghiệm để biết loại thực vật nào ăn được, không gây độc cho cơ thể. Có thể kể đến ở đây là 2 món làm từ chuối rừng với cách chế biến vô cùng đơn giản

Món thứ nhất là nộm hoa chuối rừng. Hoa chuối thái nhỏ, rửa sạch, bóp muối cho hết nhựa, hết chát. Sau đó xào sơ với chút dầu ăn và bỏ thêm vài hột muối. Hoặc khi thiếu thực phẩm và thiếu nước, bạn có thể ăn lõi cây chuối rừng. Chặt một cây lớn và bóc lấy cái lõi bên trong. Ta có thể ăn loại thực phẩm này để hạn chế cơn đói. Tuy nhiên loại thực phẩm này hầu như chỉ chứa nước và rất ít chất dinh dưỡng, rất nhiều chất xơ trong lõi chuối.
Các loại cây rừng cũng là nguồn cung cấp nước phong phú mà các “phượt tử” đã tận dụng triệt để.

Không thể thiếu món... côn trùng

Ngoài ra, các loài côn trùng cũng có thể được chế biến làm thức ăn. Ở đây, xin phép giới thiệu tới bạn đọc món: Bọ xít rang. Bọ xít sống được nhúng qua một lượt nước nóng, vớt ra bỏ vào chậu nước vo gạo để khử mùi hôi. Rồi lấy kéo cắt hết cánh, rửa lại bằng nước sạch, xong vớt ráo nước trộn cùng chút muối, mì chính, hạt tiêu để khoảng 10-15 phút cho ngấm gia vị.

Sau đó cho vào nồi rang tới khi khô nước, múc 2-3 muôi nước măng chua vào đun cạn, khi đã cạn múc tiếp 2-4 muôi mỡ, đảo đều tay cho tới khi nào trông thấy bọ xít phồng, thơm giòn, có màu vàng cánh gián là được. Bọ xít rang là món ăn nổi tiếng của người dân tộc miền núi, đặc biệt ở những xã thuộc huyện vùng cao Mù Căng Chải – Yên Bái. Khi ăn bùi bùi ngậy ngậy, vô cùng đặc biệt.

Trong con mắt của đại đa số mọi người, dân "phượt" là những kẻ gàn dở khi bỏ lại sau lưng chăn ấm, nệm êm để dấn thân vào những vùng đất hoang sơ, hiểm trở, những con đường bụi bặm và những chuyến đi "hành xác" theo đúng nghĩa đen. Nhưng, nếu một lần đi và trải nghiệm cùng họ, ta sẽ học hỏi được biết bao điều hay.

Đi, vì sở thích "xê dịch". Đi, để khám phá vẻ đẹp của đất nước, con người quanh ta. Đi, để khám phá thêm bao điều mới lạ. Đi, để khẳng định bản thân. Đi, để trải nghiệm, để khám phá giá trị con người mình. Và hơn hết, đi, để trưởng thành.

Du lịch, GO! - Theo Smark, Người đưa tin và nhiều nguồn ảnh khác.

Link to full article

Popular Posts